Ngóng phương án tuyển sinh đại học
Năm học 2024- 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới). Hiện đã bước sang tháng 10/2024, việc các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) chưa công bố phương án tuyển sinh 2025 đang khiến cả các nhà trường và người học nóng lòng.
Theo Đại Đoàn Kết, tới điểm này, song song với học tập theo kế hoạch của các nhà trường, học sinh khối 12 đã bắt đầu tìm hiểu về công tác tuyển sinh ĐH năm 2025. Mối quan tâm lớn nhất được cả học sinh và phụ huynh quan tâm là phương thức và tổ hợp tuyển sinh của các trường ĐH sẽ thay đổi ra sao, khi năm đầu tiên có một số môn học tự chọn trở thành môn thi tốt nghiệp THPT.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 - 2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã đề nghị các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024 - 2025. Song hiện chỉ có một số cơ sở đào tạo đã chủ động công bố phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2025. Đơn cử như: Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM…
Nhiều trường ĐH vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể, rồi mới xây dựng đề án tuyển sinh 2025.
Nửa mừng, nửa lo với tổng thu nghìn tỷ của các trường đại học
Tại báo cáo công khai của các trường đại học phía Bắc, Đại học Bách Khoa Hà Nội, hay Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đều là những cái tên nổi bật về tổng nguồn thu có được.
Đại học Bách Khoa Hà Nội có tổng nguồn thu năm 2023 là 2.137 tỷ đồng, trong đó có 1.340 tỷ đến từ học phí. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có tổng thu gần 1.410 tỷ và có hơn 1.000 tỷ đồng đến từ học phí.
Tại khu vực phía Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tổng thu năm 2023 là hơn 1.157 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này vào năm 2022 là hơn 1.067 tỷ đồng. Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM tổng thu năm 2023 là 1.260 tỷ đồng, trong đó đến từ học phí là 1.235 tỷ đồng.
Từ báo cáo đều dễ dàng nhận thấy, nguồn thu chủ yếu của các trường đại học đến từ 3 nguồn chính, gồm: thu từ ngân sách, từ học phí và hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, tùy từng điều kiện của các trường sẽ có thêm các nguồn thu hợp pháp khác.
Mặc dù nhiều trường đại học đạt tổng thu nghìn tỷ, nhưng nếu chỉ xét 3 nguồn thu chính kể trên thì tỉ lệ nguồn thu từ học phí đang chiếm tỉ lệ lớn. Với lộ trình và mức tăng học phí mỗi năm học được quy định trong Nghị định 81 của Chính phủ, kèm theo gia tăng về chỉ tiêu đại học, việc tăng nguồn thu từ học phí là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để giảm gánh nặng cho người học, các trường cũng cần mở rộng thêm các nguồn thu khác nhau.
Thủ tướng: Việt Nam phải bắt kịp tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 sáng 1/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ tổ chức sự kiện quan trọng này.
Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Điểm lại kết quả đổi mới sáng tạo ở nước ta thời gian qua, Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trúc Chi (t/h)