Điểm sàn xét tuyển đối với ngành Y khoa là 22,5 điểm
Theo Người Lao Động, ngày 19/7, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học và nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng.
Theo đó, điểm sàn xét tuyển đối với ngành y khoa là 22,5 điểm. Ngành Răng - Hàm - Mặt: 22,5 điểm. Các ngành Y học cổ truyền và Dược học cùng 21 điểm. Điểm sàn đối với các ngành Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật hình ảnh y học, Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Y học dự phòng đều 19 điểm.
Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, ngưỡng xét tuyển là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Theo Quy chế tuyển sinh, ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề do Bộ GD-ĐT công bố hàng năm cho các phương thức tuyển sinh đào tạo hình thức chính quy, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
6 người trong một gia đình nhập viện khẩn cấp sau khi ăn nấm "lạ"
Ngày 19/7, đại diện Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp (tỉnh Đắk Nông) cho biết, Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc vừa tiếp nhận và điều trị 6 trường hợp có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nghi do ăn nấm lạ có độc gây ra.
Chia sẻ với Giao Thông, bác sĩ Nguyễn Xuân Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp, các bệnh nhân gồm: Điểu KRắk (SN 1957), bà Thị Pút (SN 1970), Điểu Ben (SN 1998), Điểu Kha (SN 1994 cùng trú xã Quảng Tín, Đắk R'lấp), Điểu Hoe (SN 1998, trú xã Đắk R'Tih, Tuy Đức) và Điểu Luật (SN 2020, trú tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, con của Điểu Kha).
Khi vào viện các bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng như: Đau bụng, nôn ói, vã mồ hôi… Sau khi tiếp nhận, trung tâm đã kịp thời cấp cứu và chữa trị, hiện không có trường hợp nào bị nặng và chuyển tuyến trên. Đồng thời, trung tâm đã tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân gây ngộ độc.
Sau khi khai thác bệnh sử bệnh, được biết sáng 18/7, các bệnh nhân có ăn canh nấm do bà Thị Pút nấu. Đến khoảng 8h30 cùng ngày, cả 6 người đều có triệu chứng tương tự như: Đau bụng, nôn ói, vã mồ hôi.
Sau đó, cả 6 người được đưa lên Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp cấp cứu. Theo người nhà bệnh nhân, chiều 17/7, gia đình có hái nấm tại rẫy cách xa nhà 3km về để ăn.
Quy định mới về xử phạt vi phạm giao thông không lập biên bản
Khi phát hiện lỗi vi phạm giao thông thuộc trường hợp xử phạt không lập biên bản, CSGT thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông tại chỗ.
Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.
Theo đó, khi phát hiện lỗi vi phạm giao thông thuộc trường hợp xử phạt không lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông tại chỗ theo quy định.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm (sau đây gọi chung là người vi phạm) chưa thi hành ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định tại điểm d, điểm g khoản 2 Điều 21 Thông tư 32/2023/TT-BCA (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 28/2024/TT-BCA).
Cụ thể, trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì cán bộ Cảnh sát giao thông tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự (trừ khi các giấy tờ đó có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan):
Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe) hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định) hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt.
Trường hợp các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì khi tạm giữ giấy tờ, người có thẩm quyền tạm giữ thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử, cập nhật thông tin về việc tạm giữ giấy tờ đó trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện (đối với giấy tờ của chủ phương tiện) biết, chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phục vụ các lực lượng chức năng có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Các loại biên bản, quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, trả lại giấy tờ được thực hiện theo biểu mẫu quy định của pháp luật và có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử khác khi đủ điều kiện kỹ thuật thực hiện.
Ngoài quy định trên, để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan.
Trúc Chi (t/h)