Bản tin 20/3: Hà Nội yêu cầu không để tình trạng xếp hàng, chen lấn xin học cho con trong năm 2024

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 4, 20/03/2024 06:00

Hà Nội yêu cầu không để tình trạng xếp hàng, chen lấn xin học cho con trong năm 2024; Bé trai bị 20 con bò giẫm đạp dập lách, rách phổi...

Hà Nội yêu cầu không để tình trạng xếp hàng, chen lấn xin học cho con trong năm 2024

Xã hội - Bản tin 20/3: Hà Nội yêu cầu không để tình trạng xếp hàng, chen lấn xin học cho con trong năm 2024

Ảnh minh họa.

Theo Giáo Dục Việt Nam UBND thành phố Hà Nội yêu cầu không để tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu do tuyển sinh trái tuyến; không để tình trạng xếp hàng, chen lấn xô đẩy tại trường.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản số 670/UBND-KGVX về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.

Để đảm bảo các điều kiện tổ chức công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024-2025 nghiêm túc, chính xác, công bằng, khách quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong đó, tập trung vào các nội dung: Chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025 linh hoạt, bảo đảm quyền lợi học sinh; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi, tuyển sinh; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nâng cao vai trò, hiệu quả của chuyển đổi số trong công tác thi, tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh trực tuyến.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội trong quá trình tổ chức tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phụ huynh; tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, giảm số học sinh trái tuyến, số học sinh/lớp, tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày.

Các đơn vị phấn đấu huy động ít nhất 53% số trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 99% số trẻ em độ tuổi mẫu giáo đi học; ít nhất 80% số trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập; 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe vào học lớp 1; 100% học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở có nhu cầu được tiếp tục đi học tại các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học 2024-2025; bảo đảm đáp ứng đầy đủ chỗ học cho học sinh, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các trường học; thực hiện nghiêm việc công khai cam kết chất lượng giáo dục; tổ chức tuyển sinh đúng quy chế, bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, hướng dẫn tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng, công khai, tạo thuận lợi cho cha mẹ học sinh; không tổ chức thi vào lớp 1.

Yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã huy động cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi, tuyển sinh năm 2024; tuyệt đối không để tình trạng có cơ sở giáo dục tuyển sinh vượt chỉ tiêu do tuyển sinh trái tuyến; không để tình trạng xếp hàng, chen lấn xô đẩy tại các trường học gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bệnh nhi 2 tháng tuổi nguy kịch vì hội chứng rung lắc

Xã hội - Bản tin 20/3: Hà Nội yêu cầu không để tình trạng xếp hàng, chen lấn xin học cho con trong năm 2024 (Hình 2).

Bệnh nhi nhập viện, điều trị trong tình trạng nguy kịch vì hội chứng rung lắc.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được gia đình đưa vào viện trong tình trạng tăng trương lực cơ liên tục, tím môi, thóp trước căng phồng, co giật, có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao.

Gia đình cho biết trước đó, trẻ không bị té ngã, chấn thương, chưa co giật lần nào. Sau thăm khám lâm sàng và siêu âm thóp, các bác sĩ nghi ngờ trẻ tổn thương thần kinh. Để xác định chính xác tổn thương, bệnh nhi được tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, soi đáy mắt, kết quả trẻ tụ máu dưới nhện lều tiểu não hai bên và liềm đại não, phù não lan tỏa các bán cầu não 2 bên, kèm xuất huyết võng mạc, phù gai thị, nghi do Hội chứng rung lắc.

Sau khi được xử trí ban đầu tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, trẻ được chuyển đến điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.

Sau 7 ngày điều trị, trẻ cai được máy thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tuy nhiên, trẻ vẫn còn di chứng tăng trương lực cơ, giảm ý thức, nguy cơ cao sẽ để lại di chứng thần kinh lâu dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển não bộ, tương tác xã hội cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.

Thói quen bế con rung lắc nguy hiểm thế nào?

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Giao Thông ThS.BS Ngô Tiến Đông, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Đây là một chấn thương não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh. Hội chứng này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, bởi đó là thời điểm trẻ có xu hướng quấy khóc thường xuyên và kéo dài. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng rung lắc thường do thói quen bế con rung lắc nhằm mục đích dỗ con bớt quấy khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác làm thay đổi đột ngột tư thế như bế trẻ lên cao, bế thốc dậy, tung cao trẻ,… Trẻ có thể gặp nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trọng lượng đầu chiếm khoảng 10-15% trọng lượng cơ thể. Ở độ tuổi này, trẻ có cơ cổ rất yếu không đủ sức nâng đỡ đầu vốn có kích thước tương đối lớn, não bộ chưa phát triển nhiều, nằm "trôi nổi" trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh. Rung lắc mạnh, gây ra sự tăng - giảm tốc nhanh chóng của não, tác động va đập vào bề mặt cứng bên trong hộp sọ, làm tổn thương não và các mạch máu não, phù não và tăng áp lực nội sọ.

"Hội chứng rung lắc khó có 1 con số thống kê tỉ lệ chính xác. Trên cộng đồng, tôi lo lắng rằng vẫn còn nhiều trường hợp khác trẻ bị tổn thương do Hội chứng rung lắc mà chúng ta bỏ sót. Có nhiều trẻ chỉ biểu hiện quấy khóc, li bì 1-2 ngày rồi vẫn ăn ngủ bình thường, gia đình sẽ bỏ qua giai đoạn đó. Sau này lớn lên, trẻ mới dần có biểu hiện của bại não, thị lực kém, chậm phát triển, lúc đó rất khó biết được căn nguyên và cũng rất muộn để có thể can thiệp, điều trị được", BS Đông cho biết thêm.

Các biểu hiện của hội chứng này rất đa dạng và thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Thời gian khởi phát có thể là ngay sau khi rung lắc hoặc sau một khoảng thời gian: trẻ quấy khóc, nôn nhiều, bú kém, nhịp thở bất thường, li bì, co giật, hoặc hôn mê. Trong một số trường hợp Hội chứng rung lắc nhẹ, trẻ có thể không biểu hiện triệu chứng ngay, nhưng một thời gian sau có thể gặp phải những vấn đề liên quan đến chậm phát triển tinh thần vận động.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Nhi khoa, các bậc phụ huynh phải ghi nhớ rằng tuyệt đối không thực hiện những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: Rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; bế thốc ngược; xốc vác trẻ gấp gáp; tung hứng trẻ khi nô đùa; tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

Theo thống kê của Trung tâm quốc gia về Hội chứng rung lắc trẻ em tại Mỹ ước tính, ở Mỹ có 1.000-1.300 trường hợp được ghi nhận mỗi năm. Trong các trường hợp ghi nhận được, ¼ số trẻ tử vong, 80% trẻ sống sót bị tổn thương vĩnh viễn như bại não, liệt, mất thị lực, thiểu năng trí tuệ, động kinh.

Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ tổn thương não do Hội chứng rung lắc, phụ huynh cần:

- Nhanh chóng gọi xe cứu thương đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

- Hạn chế bế xốc hay rung lắc thêm để gọi trẻ tỉnh lại, không cho trẻ ăn hoặc uống nước trước khi có cấp cứu hỗ trợ.

- Nếu trẻ ngừng thở, phụ huynh cần chủ động thực hiện hô hấp nhân tạo. Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị nôn trớ, để tránh bị sặc, hãy nhẹ nhàng đặt nghiêng đầu và người trẻ theo một trục đồng nhất.

Bé trai bị 20 con bò giẫm đạp dập lách, rách phổi

Xã hội - Bản tin 20/3: Hà Nội yêu cầu không để tình trạng xếp hàng, chen lấn xin học cho con trong năm 2024 (Hình 3).

Bệnh nhi H. D. H. 10 tuổi, nam, chấn thương lách, xuất huyết nội do bò giẫm đạp.

Thông tin trên Tri Thức & Cuộc sống, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố vừa tiếp nhận một trẻ H. D. H. 10 tuổi, nam, ngụ ở La Gi, Bình Thuận. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ phụ cha lùa bò, vấp té bị đàn bò (khoảng 20 con bò) giẫm phải.

Người nhà xua đuổi đàn bò và nhanh chóng đưa trẻ tới phòng khám đa khoa địa phương làm CT scan sọ não, siêu âm bụng chưa ghi nhận bất thường.

Về đến nhà trẻ nôn máu đỏ sậm 1 lần, nhập bệnh viện địa phương siêu âm ổ bụng ghi nhận tràn dịch ổ bụng, tụ máu bao lách, chẩn đoán: Chấn thương lách – Đa chấn thương – Tai nạn sinh hoạt, sơ cứu rồi chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố Hồ Chí Minh.

Tại đây, ghi nhận trẻ lừ đừ da xanh, niêm nhạt, Hct 22%, vết xây xát ở ngực, bụng, tay chân, vết bầm cẳng chân 2 bên. Trẻ được CT scan não, ngực, bụng ghi nhận không có tổn thương não, chấn thương dập rách lách độ IV, cực trên lách có điểm tổn thương mạch máu xuất huyết hoạt động. Chưa loại trừ tổn thương dạ dày và cơ hoành trái sát gần vị trí tổn thương lách.

Vài bóng hơi tự do vùng trước gan. Tụ máu lượng ít ở hạ vị và rãnh đại tràng phải, dịch tự do vùng quanh lách – dưới hoành trái và hạ vị lệch trái, dịch có hồi âm mịn, nghĩ máu. Dập rách phổi rải rác vùng thùy dưới phổi trái (khoảng vùng phân thùy S 7,8,10), tràn khí tràn máu màng phổi trái, tổn thương đông đặc phế nang vùng lưng phổi (T) kèm lớp dịch mỏng 3-4mm, tràn khí trung thất.

Trẻ được hỗ trợ hô hấp, thở oxy, truyền dịch, truyền máu, hội chẩn các chuyên khoa ngoại tổng hợp, ngoại lồng ngực quyết định điều trị bảo tồn, chăm sóc vết thương da phần mềm, chích ngừa uốn ván, theo dõi sát tình trạng tổn thương nội tạng trong lồng ngực, bụng và tình trạng xuất huyết. Kết quả sau 4 ngày điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần tỉnh táo, hồng hào, Hct 36%, CT scan não, ngực, bụng và siêu âm ngực bụng không thấy xuất huyết thêm.

Từ tai nạn trên, bác sĩ khuyến cáo bà con lưu ý khi chăn dắt trâu, bò cần phải cẩn thận để tránh những hiểm họa tai nạn đáng tiếc xảy ra, cần có các biện pháp để bảo vệ an toàn cho bản thân, đặc biệt là trẻ em. Đồng thời tiêm phòng bệnh đầy đủ để hạn chế thấp nhất các tai nạn do vật nuôi gây ra. Nếu không may bị trâu bò giẫm, húc, cần đưa người bị nạn đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.