Bản tin 22/2: Hà Nội chốt số lượng môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trong tháng 3

Bản tin 22/2: Hà Nội chốt số lượng môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trong tháng 3

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 5, 22/02/2024 06:00

Hà Nội chốt số lượng môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trong tháng 3; Bộ Công an: Cần cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe...

Hà Nội chốt số lượng môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trong tháng 3

Xã hội - Bản tin 22/2: Hà Nội chốt số lượng môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trong tháng 3

Ảnh minh họa.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, năm học 2024-2025, Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển, bao gồm ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Môn thi thứ tư nếu có, sẽ được công bố trong tháng 3/2024. Môn thi thứ tư được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học trong chương trình giáo dục trung học cơ sở hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Thời điểm này, Hà Nội chưa chốt số lượng môn thi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Thời gian tổ chức kỳ thi cũng đang được nghiên cứu để sớm công bố cho học sinh được biết.

Năm học 2023-2024, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội diễn ra vào ngày 10 và 11/6/2023 với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Năm học 2024-2025 là kỳ thi tuyển sinh dành cho lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông cũ.

Đây cũng là những học sinh phải học trực tuyến trong thời gian khá dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, học sinh, gia đình học sinh và cả giáo viên các nhà trường đều mong muốn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 giữ ổn định 3 môn thi như kỳ thi năm học trước.

Thông tin trên Giáo dục và Thời đại, thời điểm này có khoảng 20 tỉnh, thành phố đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, trong đó, hầu hết đều tổ chức thi 3 môn như Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Một số địa phương đã quyết định giảm số lượng môn thi nhằm giảm áp lực cho thí sinh như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...

Người đàn ông mù 2 mắt tự lấy kéo đâm vào bụng và cổ

Xã hội - Bản tin 22/2: Hà Nội chốt số lượng môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trong tháng 3 (Hình 2).

Hình ảnh cây kéo đâm vào cổ người đàn ông.

Theo Người Lao Động ngày 21/2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết với sự phối hợp nhiều chuyên khoa đã phẫu thuật thành công lấy dị vật là chiếc kéo dài 24 cm đâm xuyên cổ người đàn ông.

Bệnh nhân là ông L.V.H (SN 1980; ngụ tỉnh Sóc Trăng) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng vết thương vùng hõm ức còn dị vật là chiếc kéo kim loại dài 24 cm, vết thương thấu bụng 2cm.

Kết quả X-Quang và chụp cắt lớp vi tính ghi nhận dị vật kim loại xuyên giữa cột sống ngực D1. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật và thám sát vết thương tủy sống.

Sau ca vi phẫu thuật kéo dài 2 giờ 30 phút, ê-kíp khoa ngoại tổng hợp tiếp tục thực hiện phẫu thuật mở bụng kiểm tra các cơ quan không tổn thương, lau rửa ổ bụng…

Đến sáng 21/2, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không sốt, không yếu liệt chi, đang được điều trị và chăm sóc tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình.

BS. CKII. Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết đây là ca phẫu thuật khó khăn do dị vật kích thước nhỏ, găm sâu, len lỏi vào vị trí nguy hiểm vùng cột sống cổ, khe khớp, gần các tổ chức thực quản, khí quản, động mạch cảnh.

May mắn, trường hợp bệnh nhân này dị vật đã không xuyên qua các cơ quan quan trọng ở gần đó như: mạch máu, khí quản, thực quản…

Được biết ông H. bị mù khoảng 10 năm nay và nghiện rượu rồi tự dùng kéo đâm vào bụng và cổ của mình.

Bộ Công an: Cần cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe

Xã hội - Bản tin 22/2: Hà Nội chốt số lượng môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trong tháng 3 (Hình 3).

Ảnh minh họa.

Theo Vietnamnet Bộ Công an đang lấy ý kiến về báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Về hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong mẫu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, Bộ Công an cho biết, sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, làm 2 nhóm: Nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối và nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe.

Tuy nhiên, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện. Bộ Công an phân tích, điều kiện giao thông ở Việt Nam có nhiều đặc thù, ở các nước phát triển chủ yếu là xe ô tô đi đúng theo làn và khoảng cách phù hợp với tốc độ.

Bộ Công an cũng dẫn khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia), đây là tỉ lệ rất đáng báo động.

Rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Hơn 50% các vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia.

Do đó, Bộ Công an cho rằng, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Trong khi đó, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng không thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa. Nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe. Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn.

Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc.

Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Những con số báo động về tác hại bia, rượu

Ngày 29/12/2023, Bộ Công an phối hợp Bộ Y tổ chức Hội thảo khoa học về “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ". Các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia. Vì những con số đáng báo động về tác tại của rượu, bia.

Từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023 số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia.

Bộ Công an dẫn số liệu, từ 2018 đến 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2,7 triệu lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là hơn 380.000 lượt người (chiếm 13,9%). Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%).

Theo Bộ Công an, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này.

Bộ Công an khẳng định nên tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe”. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.