Tp.HCM học sinh có mã định danh mới được tuyển sinh đầu cấp
Ngày 21/3, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM, trao đổi với Báo Thanh Niên về việc triển khai tuyển sinh đầu cấp, trong đó có yêu cầu về mã định danh để vào học mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2023-2024 theo hình thức trực tuyến.
Theo ông Minh, năm học 2023-2024 là năm đầu tiên Tp.HCM thực hiện tuyển sinh đầu cấp không khai báo. Đây là điểm mới cơ bản nhất vì trong những năm trước, dù thành phố thực hiện tuyển sinh trực tuyến nhưng phụ huynh vẫn phải khai báo dữ liệu, nhập dữ liệu của con em mình lên phần mềm tuyển sinh của trường, quận, huyện.
Còn năm nay, các cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT là cơ quan tham mưu thường trực cho ban chỉ đạo tuyển sinh địa phương, sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để bố trí chỗ học cho học sinh.
Vì vậy, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp không sử dụng giấy tờ cũng như không khai báo, tất cả học sinh phải có mã định danh để làm thủ tục tuyển sinh vào lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6.
Ông Minh cho hay, theo rà soát dữ liệu đến 21h ngày 20/3, Tp.HCM còn khoảng 21.000 học sinh chưa xác định được mã định danh. Trong đó, có nhiều trường hợp cư trú tại Tp.HCM nhưng không khai báo, một số trẻ, học sinh chưa có giấy khai sinh…
Theo ông Minh, Sở GD&ĐT đang yêu cầu phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức cùng các quận, huyện chỉ đạo nhà trường phối hợp với địa phương rà soát lại. Bên cạnh đó, ngành công an sẽ hỗ trợ những trường hợp học sinh chưa có thông tin, dữ liệu, để đảm bảo tất cả học sinh trong độ tuổi quy định đều có mã định danh vì nếu học sinh không có mã định danh thì không thể tham gia tuyển sinh đầu cấp.
"Khi thực hiện tuyển sinh bằng phương pháp trực tuyến, các quận huyện sẽ nhập dữ liệu của học sinh địa phương mình vào phần mềm. Dữ liệu bao gồm họ tên học sinh, chỗ ở thực tế, mã định danh… Trên cơ sở đó, phòng GD&ĐT sẽ tham mưu với UBND quận, huyện bố trí chỗ học cho học sinh, đảm bảo tiêu chí học sinh sẽ được học trường gần nhà nhất", ông Minh nói.
Xe tải mất lái gây tai nạn làm 2 người tử vong
Theo TTXVN, ngày 21/3, Công an huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cho biết đang điều tra nguyên nhân một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe tải và hai xe máy khiến hai người tử vong, 6.450 hộ dân mất điện.
Thông tin ban đầu, khoảng gần 11h ngày 21/3, xe tải gắn cẩu biển số 62H-021.87 lưu thông trên đường Lý Thường Kiệt, hướng từ phà Cát Lái đi quốc lộ 51.
Khi đến khu vực ấp Bến Cộ, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, chiếc xe tải bất ngờ mất lái, đâm vào hai xe máy biển số 59M2-373.55 và 52HB-2701 do hai người điều khiển. Sau đó, xe tải tiếp tục lao vào lề trái, đâm gãy trụ điện trung thế (trụ 75, tuyến 479 Đại Phước).
Vụ tai nạn khiến một người đi xe máy tử vong tại chỗ, một người khác bị thương nặng đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Xe tải và hai xe máy hư hỏng nặng.
Nhận được tin báo, Công an huyện Nhơn Trạch nhanh chóng có mặt, bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông, điều tra nguyên nhân vụ việc.
Phấn đấu đến hết năm 2023 có khoảng 35 triệu người sử dụng VssID
Theo An Ninh Thủ Đô, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2023, sẽ có khoảng 35 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được đăng ký, phê duyệt, cài đặt và sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số - VssID.
Cơ quan này giao bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố phấn đấu đến hết năm 2023 có khoảng 35 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đăng ký, phê duyệt, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID.
Cụ thể, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tập trung rà soát bao phủ ứng dụng VssID tới 100% nhóm người cùng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động; 100% người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới; tiếp tục triển khai hướng dẫn đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng tới các đối tượng khác trên phạm vi cả nước.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thông qua ứng dụng VssID, người dùng không chỉ theo dõi được thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mà còn nắm rõ được lịch sử khám chữa bệnh của bản thân.
Qua đó, giúp người dùng thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động của chủ sử dụng lao động và quá trình thụ hưởng các chính sách của mình, góp phần công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đây cũng được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trúc Chi (t/h)