9 học sinh phải nhập viện sau bữa ăn trưa
Theo Vietnamnet, thông tin từ lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tp.Thanh Hóa cho biết, cơ quan chức năng đang làm việc với Ban giám hiệu Trường Tiểu học Điện Biên 1 để làm rõ việc 9 học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn ói sau buổi học.
4 em đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi, 5 em ở Bệnh viện Đa khoa Tp.Thanh Hóa. Các học sinh đều có biểu hiện rối loạn tiêu hóa nhẹ, đang được theo dõi sức khỏe.
Một số phụ huynh cho biết, sau bữa ăn trưa ngày 21/12, đến đầu giờ học buổi chiều cùng ngày, đã có học sinh bị nôn, được giáo viên gọi phụ huynh đến đưa về nhà.
Đến cuối buổi chiều, nhiều học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài. Sáng 22/12, tiếp tục có học sinh phải nhập viện với các biểu hiện đau bụng, đi ngoài, sốt nên phụ huynh đã phản ánh tới nhà trường.
“Sau khi nắm thông tin sự việc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với nhà trường, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm để làm rõ nguyên nhân vụ việc”, một lãnh đạo phòng GD&ĐT cho biết.
Việt Nam ghi nhận 6 ca tử vong liên quan đậu mùa khỉ
Theo VTC News tính đến nay, 10 địa phương khu vực phía Nam ghi nhận 113 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 6 ca tử vong, riêng khu vực phía Bắc chưa ghi nhận ca bệnh nào.
Đây là thông tin được Viện trưởng Viện Pasteur Nguyễn Vũ Trung chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh khu vực phía Nam năm 2023, sáng 22/12.
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM cho biết, năm 2023 ghi nhận tình hình dịch bệnh tại Việt Nam diễn biến phức tạp như nhận định từ đâu năm của ngành Y tế, với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi tác động đối với sức khỏe cộng đồng.
Đối với COVID-19, Tp.HCM đã gỡ bỏ tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, bệnh đã được Bộ Y tế xếp thành bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tuy nhiên, COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới với sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới và cuối năm nay, ghi nhận sự gia tăng trường hợp mắc mới.
Tp.HCM cũng ghi nhận sự tái bùng phát bệnh tay chân miệng, số ca mắc tăng 2,7 lần, số tử vong tăng 25 ca và nguyên nhân do chủng EV71. Bệnh mới nổi - đậu mùa khỉ đã lây lan ở nhóm nguy cơ cao tại nước ta. Hiện ghi nhận tại 10/20 địa phương khu vực phía Nam với 113 ca mắc và 6 ca tử vong.
Tỷ lệ tử vong liên quan đậu mùa khỉ ở Việt Nam là 5,1%. Trong khi phía Bắc hiện chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ nào. Giữa tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo chủng virus đậu mùa khỉ mới nguy hiểm hơn chủng xuất hiện năm ngoái, triệu chứng nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn, khoảng 10%.
Trong số ca đậu mùa khỉ điều trị tại Tp.HCM, nam giới chiếm 97%, nữ giới 3%. Trong đó, nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 88%, phần lớn không dùng bao cao su khi quan hệ, nhiều ca đồng nhiễm giang mai.
Nguyên nhân lây bệnh đậu mùa khỉ có đường lây chính là tiếp xúc gần qua đường tình dục, quan hệ tình dục với người đang nhiễm bệnh... Đa số trường hợp bệnh xảy ra trên nhóm đồng tính nam, người song tính, người có nhiều bạn tình.
Trước sự bùng phát của bệnh truyền nhiễm mới nổi, ông Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh ngành Y tế địa phương đã và đang chủ động xây dựng Kế hoạch với các phương án ứng phó cụ thể bám sát thực tế với nguồn lực từ địa phương là nòng cốt.
Tổ chức đào tạo liên tục về bệnh truyền nhiễm cho nhân viên Y tế công lập và ngoài lập cũng như bao quát cả điều trị lẫn dự phòng.
Trước bối cảnh đó, dự báo năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam sẽ còn diễn tiến phức tạp, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch trong cộng đồng để từ đó gắn hoạt động phòng chống dịch là công việc thường xuyên, liên tục của mỗi người dân và các cấp chính quyền, đoàn thể.
Bà nhấn mạnh, công tác giám sát phát hiện ca bệnh được triển khai đầy đủ, từ sớm, từ xa. Hoạt động điều trị được đẩy mạnh từ tuyến Trung ương đến cơ sở thông qua công tác chỉ đạo tuyến hỗ trợ chuyên môn trực tiếp và trực tuyến hàng tuần. Các tuyến y tế dự phòng tích cực và chủ động điều tra, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bùng phát rộng.
Nhận định về xu hướng thời gian tới, các nhà chuyên môn và cán bộ làm công tác y tế dự phòng cho rằng, bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi có thể tiếp tục diễn biên khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh và tác nhân gây bệnh thường xuyên biến đổi, nhất là trong bối canh giao thương, du lịch, di chuyển kết hợp đô thị hóa, biến đổi khí hậu diện rộng và xu hướng dịch chuyển lao động hiện nay càng làm tăng rùi ro bùng phát bệnh.
Va chạm tàu hỏa, 2 người phụ nữ tử vong
Thông tin ban đầu trên ANTĐ khoảng 5h30 sáng ngày 22/12 tại đoạn đường sắt qua thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã xảy ra vụ tai nạn tàu va hai phụ nữ đi xe máy.
Cụ thể, tàu khách Thống nhất SE4, đầu máy 978 kéo 12 toa xe từ Tp.HCM ra Hà Nội, khi đến km15+800 khu Gian Thường Tín - Văn Điển khoảng 5h33 đã va phải hai người phụ nữ đi xe máy.
Hậu quả hai nạn nhân tử vong tại chỗ, xe máy hỏng. Trưởng tàu xuống tàu, giải quyết xong và cho tàu chạy lúc 5h53.
Được biết, vị trí xảy ra tai nạn là lối đi tự mở thuộc địa bàn huyện Thường Tín.
Nạn nhân sau đó được xác định là L.T.K.T. (sinh năm 1989) và N.T.S. (sinh năm 1991), cùng quê ở Thường Tín, Hà Nội.
Sau khoảng 20 phút dừng lại giải quyết vụ việc, đoàn tàu tiếp tục khởi hành lúc 5h50 cùng ngày.
Trúc Chi (t/h)