Đề xuất trường tiểu học có tối đa 40 lớp
Theo báo Chính Phủ Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.
Theo đó, dự thảo sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô của trường tiểu học như sau: "Trường tiểu học có quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 40 lớp (thay cho tối đa 30 lớp như quy định hiện hành tại Thông tư số 13). Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 lớp".
Tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh; đối với các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền) cho phép bình quân tối thiểu 6m2 cho một học sinh (thay cho quy định: đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 8m2 cho một học sinh). Đối với trường có tổ chức nội trú hoặc ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú; ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú bảo đảm 6m2 cho một học sinh".
Theo dự thảo, đối với phòng học: Bảo đảm mỗi lớp có một phòng học riêng; có thể sử dụng làm nơi nghỉ trưa cho học sinh (nếu có); được trang bị đầy đủ: Bàn, ghế học sinh đúng quy cách và đủ chỗ ngồi cho học sinh; bàn, ghế giáo viên; bảng lớp; hệ thống đèn và hệ thống quạt; hệ thống tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học;
Phòng học bộ môn: có tối thiểu 03 phòng để tổ chức dạy học các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ. Căn cứ điều kiện thực tế, ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc: bảo đảm đủ chức năng của các phòng học bộ môn, có chức năng tương đồng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bảo đảm việc bố trí thời gian, không gian để thực hiện kế hoạch và hoạt động giáo dục theo từng chức năng, bảo đảm định mức giờ dạy trên quy mô học sinh đối với các môn học.
Đã có 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 địa phương
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại nước ta, từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, gần 675.000 người phải điều trị dự phòng bệnh. Trong đó, 80% trường hợp do chó cắn, 18% do mèo, còn lại do các động vật khác như khỉ, chuột, dơi.
Đặc biệt, thời gian gần đây, số người chết do bệnh dại liên tục tăng. Từ đầu năm 2024 đến ngày 16/4, ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8, 9 trong năm. Tuy nhiên, năm nay, sự gia tăng đột biến ca bệnh dại lại vào những tháng đầu năm. Điều này có thể liên quan trực tiếp đến sự gia tăng các ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 đến nay.
Ở nước ta, nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo. Trong đó, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96-97%, tiếp đến là mèo chiếm 3-4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.
Theo ông Hoàng Minh Đức, thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 năm hoặc 2 năm, trung bình là khoảng từ 1-3 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và sức đề kháng của cơ thể.
Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Thời gian ủ bệnh ngắn nhất được tìm thấy khi vết cắn ở đầu, mặt, tay và đặc biệt là đối với trẻ em.
Các báo cáo gần đây cho thấy, các ca bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó, nhiều trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) khuyến cáo, cần đạt tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng dại cho động vật ít nhất 70% trên tổng đàn trong 2 năm liên tiếp thì mới có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm bệnh dại sang người.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, việc phòng tránh bệnh dại không hề khó nhưng nhiều người lại chủ quan.
“Tiêm phòng dại cho chó, mèo là biện pháp đầu tiên. Khi vật nuôi được tiêm phòng dại thì nguy cơ mắc dại sẽ giảm đi. Thế nhưng, tại nước ta, tỉ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chưa được cao. Nhiều gia đình nuôi 2-3 con chó, nhưng khi chính quyền vận động đi tiêm phòng dại thì họ chỉ mang 1 con đi tiêm”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Do đó, để phòng tránh bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần chấp hành nghiêm quy định tiêm phòng, không để chó, mèo thả rông. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, khu dân cư, chung cư phải rọ mõm, có dây xích, có người dắt. Các địa phương phải tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, các địa phương phải bảo đảm đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Đặc biệt, tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng, thông tin trên báo Hà Nội Mới.
Tai nạn xe máy 2 người tử vong, 1 người bị thương nặng
Theo Giao Thông Vận Tải ngày 22/4, Công an huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa 2 xe máy khiến 2 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 21h15 ngày 21/4, trên đường 26/3, thuộc thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, anh K. (SN 2005, trú tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) điều khiển xe máy lưu thông theo hướng từ xã An Nhơn về xã Quốc Oai.
Khi xe chạy đến địa điểm trên thì bất ngờ va chạm với một xe máy khác đang dừng bên phải phía trước cùng chiều. Lúc này, trên xe máy đang dừng có 2 người gồm ông Nguyễn Văn T. (SN 1984) và ông Nguyễn Đình D. (SN 1986, cùng ngụ tại thị trấn Đạ Tẻh) đang ngồi trên xe máy nói chuyện sau khi đi chơi về.
Hậu quả, vụ tai nạn khiến anh K. và ông T. tử vong tại chỗ, ông Dần bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện II Lâm Đồng, sau đó chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.Hồ Chí Minh. Tại hiện trường, 2 xe máy bị hư hỏng, biến dạng.
Sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ TNGT.
Trúc Chi (t/h)