Tuyệt đối không được ép buộc học sinh học thêm
Theo Kinh tế & đô thị, Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư quy định dạy thêm, học thêm. Tại dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó một lần nữa khẳng định: "Không được dùng bất cứ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm"
Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đưa ra 5 nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Theo đó, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Dự thảo thông tư lưu ý: không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Đáng chú ý về dạy thêm, học thêm trong nhà trường, dự thảo quy định: tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận.
Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm thì phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.
Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.
Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.
Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.
Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.
Với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, dự thảo quy định, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh theo quy định. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Dự thảo Thông tư đồng thời quy định trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện, Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm.
Hiện trường vụ va chạm xe khách và xe máy, 1 người tử vong, 2 người bị thương
Thông tin ban đầu trên ATGT khoảng 0h30 sáng ngày 23/8, xe khách biển kiểm soát 29B-107XX do Lê Văn T (SN 1984, trú tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) điều khiển trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc - Nam.
Khi xe khách đi đến Km660 địa phận phường Bắc Lý, Tp.Đồng Hới va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 73C1-187xx do Hồ Văn L (SN 2004, trú tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) điều khiển chở theo Hồ Q (SN 1995, trú tại xã Trọng Hoá, huyện Minh Hóa) và Hồ Văn N (SN 2005, trú tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) lưu thông theo hướng từ đường Hữu Nghị đi quốc lộ 1A.
Sau cú va chạm, Hồ Văn L tử vong, 2 người khác bị thương, 2 phương tiện bị hư hỏng nặng.
Hiện, nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Người đàn ông trẻ đột ngột hôn mê sâu khi đang ăn liên hoan
Theo Vietnamnet mới đây, anh Đ.V.T (37 tuổi, trú tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đang tham gia liên hoan cùng bạn bè thì đột ngột mất nhận thức, cơ thể tím tái và rơi vào hôn mê sâu.
Người thân đã đưa anh T. đến Trung tâm y tế huyện Tam Đảo cấp cứu. Tại đây, nam bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn lần 1 và được các bác sĩ của trung tâm y tế nhanh chóng cấp cứu. Sau 5 phút, người bệnh có mạch trở lại và chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh vĩnh Phúc.
Khi vào Khoa Cấp cứu, anh T. tiếp tục ngừng tuần hoàn lần 2. Ê-kíp nhanh chóng ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân, sau 20 phút, người đàn ông bắt đầu có nhịp thở.
Kết quả chiếu chụp và các xét nghiệm xác định người bệnh bị tràn khí màng phổi 2 bên và xuất hiện tình trạng toan chuyển hóa nặng. Nam bệnh nhân được chuyển tới Khoa Hồi sức tích cực tiến hành thực hiện kỹ thuật mở màng phổi 2 bên, lọc máu liên tục và đặt ống nội khí quản để đào thải rối loạn chuyển hóa.
Sau 24 giờ, anh T. đã ổn định hơn và có nhận thức trở lại. Sau 6 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo, thở tốt, huyết áp bình thường, hết tình trạng toan chuyển hóa, không còn khí màng phổi 2 bên. Bởi vậy, anh được cai máy thở, rút ống nội khí quản, ống dẫn lưu màng phổi và được chuyển Khoa Nội tổng hợp để tiếp tục điều trị.
Hiện tại, bệnh nhân có thể giao tiếp bình thường, ăn uống đường miệng, vận động tốt, không để lại di chứng đáng kể nào và được xuất viện.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo để phòng ngừa những trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện, người dân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có tiền sử tim mạch, huyết áp, phổi, đái tháo đường.
Nếu thấy người nhà hay người xung quanh đột ngột mất ý thức và ngừng thở, cần ép tim ngoài lồng ngực ngay tại chỗ kết hợp hà hơi thổi ngạt đúng cách, nhanh chóng gọi cấp cứu đến hỗ trợ và tiến hành đưa người bệnh vào cơ sở y tế gần nhất.
Trúc Chi (t/h)