Bộ GTVT đồng ý mở rộng 83km cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ 2 lên 4 làn xe
Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến đường có chiều dài 245km, đã được đưa vào khai thác năm 2014 với quy mô 4 làn xe đoạn Nội Bài – Yên Bái, riêng đoạn Yên Bái – Lào Cai dài gần 83km mới chỉ được đầu tư 2 làn xe, không có dải phân cách giữa.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay sau thời gian khai thác đoạn Yên Bái – Lào Cai có lưu lượng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy, để khai thác đồng bộ toàn tuyến, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với quy hoạch và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GTVT thống nhất việc đầu tư mở rộng đoạn Yên Bái – Lào Cai lên thành 4 làn xe là cần thiết.
Thời gian tới, Bộ GTVT nghiên cứu huy động nguồn vốn, hình thức đầu tư phù hợp để tiếp tục mở rộng đoạn Yên Bái – Lào Cai theo quy mô 4 làn xe để khai thác đồng bộ về quy mô với đoạn Nội Bài – Yên Bái và đầu tư hoàn thiện tuyến đường theo quy mô quy hoạch (6 làn xe) khi có đủ điều kiện.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, về quy chuẩn đường cao tốc Việt Nam đường phải có dải phân cách giữa và làn dừng khẩn cấp. Với đoạn Yên Bái – Lào Cai hiện nay để phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông thì việc hoàn chỉnh thành 4 làn là rất cần thiết.
Theo VietNamNet, sau 8 năm đưa vào khai thác lưu lượng đã tăng nhanh từng năm. Khi mới đưa vào khai thác đoạn Yên Bái – Lào Cai có lưu lượng 2.500 xe/ngày đêm, nhưng đến nay đã tăng lên 11.000 phương tiện/ ngày đêm.
Với lưu lượng hiện tại cao tốc 2 làn không đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến nên cần thiết phải nâng cấp, mở rộng. Dù VEC đã thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, tuy nhiên đoạn cao tốc 2 làn xe vẫn luôn tiềm ẩn các tình huống gây mất an toàn giao thông.
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn giao thông, việc mở rộng đường lên 4 làn xe còn phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của vùng. Sắp tới chủ trương phát triển đường cao tốc không chỉ có đường cao tốc độc đạo Nội Bài – Lào Cai mà còn nhiều tuyến xương cá đấu nối như: Lào Cai – Điện Biên, Lào Cai – Lai Châu, lào Cai – Hà Giang, Lào Cai - Tuyên Quang. Khi các tuyến này hình thành lưu lượng sẽ còn tăng cao.
Hà Nội: Tiếp tục thí điểm tổ chức lại giao thông tại 4 nút giao trọng điểm đến 22/10
Báo Hà Nội mới đưa tin, Sở GTVT Hà Nội vừa thông báo tiếp tục triển khai phương án thí điểm phân luồng tổ chức giao thông tại các nút giao: Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân và Đống Đa); Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng và Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân, đường Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân và Cầu Giấy).
Theo đó, tại nút giao Ngã Tư Sở, cấm các phương tiện đi thẳng, rẽ trái dưới gầm cầu Ngã Tư Sở theo hướng đường Nguyễn Trãi đi Tây Sơn, đường Láng. Các phương tiện từ đường Nguyễn Trãi đến nút giao dưới gầm cầu rẽ phải liên tục về đường Trường Chinh và quay đầu tại điểm mở trên đường Trường Chinh cách nút giao khoảng 700m, sau đó đi thẳng về đường Láng hoặc rẽ phải để đi Tây Sơn.
Tại nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Tố Hữu và đường Vũ Trọng Khánh; các phương tiện trên đường Tố Hữu đi thẳng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách cách nút giao khoảng 300m theo hướng đường Tố Hữu đi Vạn Phúc.
Tại nút giao Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân, tổ chức giao thông một chiều cho các phương tiện lưu thông trên đường Hoàng Ngân (theo hướng và đoạn từ Nguyễn Xuân Linh đến Khuất Duy Tiến); tổ chức giao thông một chiều cho các phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Thị Thập (theo hướng và đoạn từ Hoàng Minh Giám đến Nguyễn Xuân Linh).
Tại nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, cấm phương tiện rẽ trái, quay đầu trên tuyến đường Trần Duy Hưng (theo chiều từ Trần Duy Hưng đi Đại lộ Thăng Long và ngược lại). Các phương tiện đi thẳng qua nút và quay đầu tại điểm quay đầu gần nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến và điểm mở dải phân cách trên đường Trần Duy Hưng (đối diện cổng vào Khách sạn Charmvit). Thời gian tiếp tục thí điểm kéo dài đến ngày 22/10.
Cả nước ghi nhận thêm 1.071 ca Covid-19
Ngày 23/7, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 1.071 ca mắc Covid-19. Hiện, còn 37 bệnh nhân nặng.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.767.200 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.620 ca nhiễm).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.328 ca.Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.851.504 ca. Số bệnh nhân đang thở oxy là 37 ca.
Từ 17h30 ngày 22/7 đến 17h30 ngày 23/7 ghi nhận 0 ca tử vong.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.092 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 22/7 có 822.240 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 242.303.027 liều.
Minh Hoa (t/h)