Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Thông tin từ một số cơ sở giáo dục mùa tuyển sinh năm 2024 trường dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu người học.
Theo đó, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thông tin, năm 2024 trường dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước trong đó có chỉ tiêu của ngành mới mở là an toàn thông tin.
Thông tin từ một số cơ sở giáo dục mùa tuyển sinh năm 2024 trường dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu người học.
Trường sử dụng 6 phương thức tuyển sinh, tương tự năm ngoái, trong đó dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8%); xét học bạ THPT (15%); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (6%) và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (6%).
Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy dự kiến năm 2024. Theo đó, Trường dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu trình độ đại học, tăng 2.600 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển độc lập.
Nguyên nhân tăng chỉ tiêu là trường dự kiến mở 7 ngành mới gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính. Trong đó, với phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh lưu ý trường nhận hồ sơ học bạ theo từng đợt, đợt đầu tiên bắt đầu từ 3/1/2023.
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh 4.130 chỉ tiêu cho cả trụ sở chính và hai cơ sở TP.HCM, Quảng Ninh, cao hơn năm ngoái 30 chỉ tiêu.
Năm 2024, trường Đại học Hoa Sen dự kiến tuyển sinh 4,000 chỉ tiêu đối với 33 chương trình đào tạo bậc đại học theo 4 phương thức xét tuyển, trong đó 60% chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT. Năm nay nhà trường tuyển sinh thêm 4 ngành học mới.
Trường Đại học Phenikaa dành 9.896 chỉ tiêu cho 48 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có các ngành mới gồm: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn); An toàn thông tin; Trí tuệ nhân tạo, Marketing; Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện và Y học cổ truyền.
Cùng với đó, phương thức tuyển sinh có sự thay đổi so với năm 2023: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển dựa vào học bạ THPT; xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Thông tin từ Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2024 các phương thức xét tuyển vẫn cơ bản giữ ổn định. Trong đó, mỗi trường đại học với đặc thù đào tạo của mình có thể điều chỉnh phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh.
Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, phải làm rõ được căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn của việc sử dụng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và các chỉ tiêu phân bổ.
Đối với việc các trường có sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ trong khi một số trường khác thông báo bỏ hẳn phương án xét tuyển bằng học bạ, thí sinh không cần lo lắng sẽ đánh mất cơ hội.
Dù xét tuyển hay đánh giá thí sinh bằng phương thức nào đi nữa cũng dựa vào kiến thức nền tảng, cốt lõi của thí sinh nên các em cứ yên tâm học và ôn tập theo định hướng của nhà trường, thầy cô.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường đánh giá, đối sánh kết quả học tập của sinh viên qua từng năm với các phương thức xét tuyển đầu vào thế nào để thấy được sự tương quan, từ đó có cơ sở điều chỉnh phương thức xét tuyển.
Dù các trường điều chỉnh ra sao cũng phải dựa trên yếu tố chất lượng đầu vào vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cả quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra, thương hiệu, uy tín của các trường với các bên liên quan.
Với học bạ, đây là kết quả đánh giá quá trình học tập, không chỉ căn cứ vào 1 hay 2 cuộc thi nên vẫn là kênh thông tin quan trọng được nhiều trường đại học sử dụng để tuyển sinh.
Hiện trường xe đầu kéo lật trên quốc lộ, hàng tấn nông sản đổ ra đường
Theo báo Tiền Phong, thông tin từ UBND xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông, may mắn không có người thương vong.
Theo đó, vào khoảng 5h ngày 24/1, tài xế H.N.T. (SN 1988, trú huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) điều khiển xe đầu kéo mang biển số Lào chở sắn di chuyển trên quốc lộ 15 theo hướng từ huyện Hương Khê đi thành phố Hà Tĩnh.
Khi di chuyển tới đoạn gần cầu Địa Lợi thuộc địa phận thôn 4, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, thì bất ngờ gặp sự cố, lật nghiêng bên vệ đường.
Vụ tai nạn may mắn không có thương vong về người nhưng khiến một phần cổng nhà dân bên đường bị thùng xe lật nghiêng làm đổ, gãy hàng rào…
Về phần xe đầu kéo cũng bị hư hỏng nặng sau vụ tai nạn. Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng CSGT Công an có mặt phân luồng giao thông, điều xe cứu hộ đến “giải cứu” xe đầu kéo bị lật.
Hiện nguyên nhân vụ tai nạn đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Miền Bắc rét đậm ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi
Thông tin trên Đài TH Hà Nội, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, nhiều người cao tuổi phải nhập viện trong tình trạng: viêm phổi, cảm lạnh, tăng huyết áp… Chuyên gia y tế khuyến cáo, trong những ngày thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, người cao tuổi cần phải được quan tâm, chú ý nhiều hơn.
Ở người cao tuổi, chỉ với mức giảm nhẹ của nhiệt độ môi trường cũng có thể khiến người già có nguy cơ hạ thân nhiệt. Do ảnh hưởng của đợt rét đậm nhiều người cao tuổi phải nhập viện trong tình trạng: viêm phổi, cảm lạnh, tăng huyết áp …
Tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, cụ ông Cao văn Thục 90 tuổi ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ đã được đưa vào cấp cứu trong tình trạng khó thở. Theo chia sẻ của anh Cao Văn Quyền, người nhà bệnh nhân thì do trời quá rét, qua thăm khám, bác sỹ kết luận bệnh nhân bị viêm phổi cấp.
Hay như trường hợp của ông Nguyễn Trung Trình, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ cũng nhập viện trong tình trạng khó thở và nhiều bệnh nền khác.
Theo bác sỹ Tạ Viết Minh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ cho biết, do ảnh hưởng của đợt rét đậm này, hai hôm nay bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh, trong đó chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.
Nguyên nhân người già nhập viện tăng cao khi thời tiết giá rét là do khả năng cảm nhận nhiệt độ môi trường ở người cao tuổi suy giảm theo tuổi tác. Cùng với đó là khả năng kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể ở người cao tuổi bị giảm hơn so với người trẻ. Người cao tuổi mắc nhiều bệnh mạn tính và phải dùng nhiều loại thuốc nên dễ bị tổn thương do lạnh hơn.
Các bác sỹ khuyến cáo, để tăng sức đề kháng cho cơ thể người già, mỗi ngày cần uống 6-8 ly nước ấm ngay cả khi không cảm thấy khát nước. Tránh uống rượu và đồ uống có chứa caffeine. Dùng thức uống và thực phẩm nóng giúp bảo vệ thân nhiệt. Khi ở nhà, chủ động vận động thích hợp để tăng lưu lượng máu và tăng nhiệt độ cơ thể.
Trúc Chi (t/h)