Bình Dương thí điểm tổ chức dạy học song ngữ trong trường công lập
Thông tin trên Tiền Phong, theo đề án bắt đầu từ năm học 2023-2024, tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức thí điểm dạy học song ngữ tại trường Trung học phổ thông (THPT) công lập, sau đó nhân rộng mô hình.
Cụ thể, đề án tổ chức dạy song ngữ (Việt - Anh) tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương giai đoạn 2023-2030.
Với mục tiêu mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu toàn cầu hóa hoặc hội nhập quốc tế, bắt đầu từ năm học 2023 - 2024 tỉnh Bình Dương sẽ triển khai thí điểm Đề án Tổ chức dạy song ngữ tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương.
Đề án tổ chức dạy song ngữ tiếng Anh tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương được thực hiện trong thời gian 8 năm và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2023-2025), xây dựng nền tảng cho việc dạy các môn học bằng tiếng Anh trong trường chuyên của tỉnh.
Nhiệm vụ cốt lõi của giai đoạn này là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên và xây dựng hoàn chỉnh chương trình dạy và học bằng tiếng Anh ở các môn khoa học tự nhiên, tiếp đó là các môn khoa học xã hội.
Giai đoạn 2 (2026-2030), đề án tập trung phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học các môn học bằng tiếng Anh trong trường chuyên của tỉnh.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, việc xây dựng đề án dạy song ngữ trong trường THPT Chuyên Hùng Vương giai đoạn 2023 – 2030 là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách phát triển giáo dục của tỉnh nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ông Hà, tới đây việc dạy song ngữ không chỉ tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương mà định hướng triển khai dạy học song ngữ với tất cả các trường từ cấp 1 đến cấp 3 trên địa bàn tỉnh Bình Dương để bảo đảm lộ trình và tính kế thừa giữa các cấp học. Trong quá trình thực hiện vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Ô tô lao vực, 2 ông cháu tử vong ở Lâm Đồng
Theo ATGT, Ban QLDA 7 cho biết đã có báo cáo gửi Bộ GTVT liên quan đến vụ TNGT ô tô lao xuống vực trên tuyến tránh Bảo Lộc, Lâm Đồng làm 2 người tử vong.
Theo báo cáo nhanh của Ban QLDA 7 gửi Bộ GTVT, vụ tai nạn xảy ra vào lúc 11h trưa 23/3, tại tuyến tránh Tp.Bảo Lộc (tuyến đường tránh QL20), đoạn qua địa bàn xã Lộc Nga, Tp.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) làm 2 người tử vong.
Lúc này xe Ford Everest BKS 49A-063.64 do ông Dương Tấn V. (54 tuổi, ngụ tại xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) điều khiển chở theo cháu Phạm Dương Châu N. (4 tuổi, cháu ngoại ông Vinh) lưu thông hướng từ Tp.Đà Lạt về Tp.Bảo Lộc.
Khi vào cầu Nau Sri (giao nhau với đường Âu Cơ) trên đường tránh Tp.Bảo Lộc khoảng 20m thì bị mất lái, lao sang bên trái đường rồi rơi xuống vực sâu hơn 40m. Hậu quả, vụ tai nạn khiến tài xế tử vong tại chỗ, cháu nhỏ tử vong trên đường đi cấp cứu.
Sau khi biết thông tin Ban đã cử cán bộ cùng đơn vị liên quan đến hiện trường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương, động viên, thăm hỏi, chia sẻ cùng gia đình nạn nhân.
Cũng theo Ban QLDA 7 qua nắm bắt sơ bộ ban đầu của Phòng Quản lý giao thông TP Bảo Lộc cho biết, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khám nghiệm hiện trường và có kết quả ban đầu.
Bước đầu nhận định khi xe lưu thông hướng từ Đà Lạt - Bảo Lộc vào cầu Nau Sri thì ông Vinh bị đột quỵ. Khi xe đang chạy trên cầu thì xe mất lái đi sang bên trái đường và lao xuống vực dẫn đến tai nạn của hai ông cháu.
Tp.HCM ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em" đầu tiên, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Sở Y tế Tp.HCM tổ chức thí điểm chính thức ra mắt tại Bệnh viện Hùng Vương.
Mô hình một cửa sẽ thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Thay vì phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần đến mô hình "một cửa" để được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý. Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển gửi nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Tp.HCM để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.
Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Tp.HCM, việc triển khai thí điểm mô hình này đặt tại cơ sở y tế là một giải pháp mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Sau khi vận hành, mô hình sẽ tiến hành rà soát khoảng trống về chính sách, quy định riêng của các ngành tiến tới thống nhất về nguyên tắc, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ một đầu mối cho nạn nhân.
Mô hình một cửa là điểm đến an toàn, nơi can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho từng nạn nhân ngay từ đầu vào tại Bệnh viện Hùng Vương và đầu ra tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố. Mô hình tuân thủ nguyên tắc công khai nơi tiếp nhận, bí mật thông tin, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực và người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Trúc Chi (t/h)