Thường xuyên tắm muộn, nữ sinh 20 tuổi đột ngột bị liệt tay
Theo Tri Thức & Cuộc sống nữ sinh Đ.T. T.H (20 tuổi, Thái Bình) đến khám do đột nhiên bị yếu liệt tay bên phải sau khi ngủ dậy. Qua khai thác lâm sàng được biết vào ngày hôm trước, bệnh nhân vẫn đi làm và sinh hoạt hoàn toàn bình thường, không bị chấn thương hay dấu hiệu hoạt động quá sức vùng cánh tay.
Sau khi đi làm về, H ăn uống và tắm rửa (bệnh nhân có thói quen tắm muộn do đặc thù công việc). Khi ngủ dậy vào sáng hôm sau, H cảm thấy đau nhức vùng cổ vai gáy dữ dội kèm theo khó cử động các ngón tay bên phải, phần cánh và cẳng tay cùng bên tê bì, không thể vận động được, các triệu chứng tương tự sau đó bắt đầu xuất hiện ở tay bên trái.
Nghi ngờ có tổn thương về hệ thần kinh, bác sĩ chỉ định người bệnh chụp cộng hưởng từ vùng cổ để quan sát chi tiết về tủy cổ, đám rối thần kinh cánh tay và phần mềm vùng cổ.
Trên hình ảnh chụp MRI phát hiện tổn thương tăng tín hiệu trong tủy cổ đoạn ngang mức đốt sống C3-C6, chủ yếu ở cột tủy trước, ưu thế bên phải, không thấy khối choán chỗ. Các bác sĩ tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC kết luận đây là dạng tổn thương của bệnh viêm tủy.
Viêm tủy là tình trạng tủy sống bị viêm nhiễm, có thể làm tổn thương myelin và sợi trục gây ảnh hưởng đến chức năng dẫn truyền và phản xạ của người bệnh.
Bệnh thường khởi phát bằng hội chứng nhiễm khuẩn, sốt ở nhiều mức độ khác nhau hoặc có thể không sốt, kèm theo đau dây thần kinh tại khu vực bị viêm, đau lan ra các vùng mà nó chi phối.
Người bệnh sẽ cảm thấy yếu cơ hoặc tê liệt các chi với các mức độ nghiêm trọng khác nhau, gây khó khăn trong vận động và thăng bằng. Một số người bệnh có cảm giác ngứa ran, nóng rát, châm chích, tê bì trên da.
Một vài tình trạng khác có thể gặp là đi tiểu không tự chủ hoặc không thể đi tiểu, rối loạn chức năng ruột và bàng quang, táo bón, nôn mửa kéo dài.
Chớ nên chủ quan với đau lưng
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Bệnh viện Việt Đức cho biết, viêm tủy xương đốt sống là tình trạng nhiễm trùng của thân đốt sống là một nguyên nhân gây ra đau lưng, đặc biệt là ở những người trẻ khỏe mạnh.
Nhiễm trùng lây lan đến thân đốt sống theo đường mạch máu. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng thân đốt sống xảy ra ở cột sống thắt lưng do lưu lượng máu đến vùng này của cột sống. Nhiễm trùng lao có khuynh hướng đối với các đốt sống ngực và những người lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch có nhiều khả năng bị nhiễm trùng các đốt sống cổ .
Các triệu chứng đau lưng do nhiễm trùng cột sống thường tiến triển âm ỉ và trong thời gian dài: Ngoài đau lưng, xuất hiện ở trên 90% bệnh nhân viêm tủy xương đốt sống, các triệu chứng chung có thể có một hoặc kết hợp các triệu chứng như: Sốt, ớn lạnh hoặc run rẩy; Sụt cân; Đau vào ban đêm nhiều hơn đau vào ban ngày; Sưng tấy và nóng và mẩn đỏ xung quanh vị trí nhiễm trùng.
Nhiễm trùng cột sống hiếm khi ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở cột sống. Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể di chuyển vào ống sống và gây áp xe ngoài màng cứng, có thể gây áp lực lên các yếu tố thần kinh. Nếu điều này xảy ra ở cột sống cổ hoặc ngực, nó có thể dẫn đến liệt nửa người hoặc liệt tứ chi. Nếu nó xảy ra ở cột sống thắt lưng nó có thể dẫn đến hội chứng đuôi ngựa (một hội chứng dẫn đến đại tiện không tự chủ và bàng quang, gây tê, yếu chi dưới).
Vị trí phổ biến nhất của nhiễm trùng xương đốt sống là ở lưng dưới, hoặc cột sống thắt lưng, tiếp theo là đốt sống ngực, đốt sống cổ. Nó cũng có thể phát triển trong xương cùng – cụt, các đốt ở dưới cùng của cột sống kết nối với xương chậu.
Các triệu chứng của viêm tủy xương đốt sống rất thay đổi tùy thuộc vào từng bệnh nhân, vị trí nhiễm trùng và mức độ tiến triển của bệnh. Ví dụ, trong khi sốt là một triệu chứng điển hình, một số người có thể không sốt và những người khác có thể sốt cao.
Căng mình cứu chữa nam thanh niên đuối nước ở Quảng Nam
Theo VTC News ngày 24/4, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết sẽ làm thủ tục xuất viện cho nam thanh niên bị đuối nước ở hố Giang Thơm.
Trước đó, chiều 14/4, C.N.S. (30 tuổi, trú xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, Quảng Nam) khi đi chơi hố Giang Thơm (thuộc địa phận huyện Núi Thành) đã không may trượt chân ngã và chìm xuống nước trong thời gian khoảng 2 phút.
Nạn nhân được bạn bè đi cùng vớt lên và chuyển ngay đến khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam với tình trạng hôn mê, toàn thân tím tái, có vết thương vùng đầu, suy hô hấp nặng.
Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ khẩn trương hồi sức tích cực ban đầu. Tình trạng bệnh nhân dần ổn định nhưng tiên lượng diễn biến nặng hơn nên được chuyển ngay đến khoa Hồi sức tích cực – chống độc để điều trị.
Tại đây, tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu hơn với tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, tụt huyết áp và suy đa tạng.
Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch và được siêu lọc máu liên tục.
Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, huyết áp ổn định, tình trạng phổi tổn thương cải thiện hơn, được rút nội khí quản và cai thở máy.
ThS.BS Đoàn Quốc Đạt (phụ trách khoa Hồi sức tích cực – chống độc) chia sẻ thêm, tổn thương phổi do ngạt nước là rất nặng nề, nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, hôn mê và ngừng tim. Vì vậy, nếu các nạn nhân đuối nước được xử trí ban đầu và nhanh chóng đưa đến bệnh viện thì cơ hội được cứu sống cao hơn.
Thủ khoa 3 đợt thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 129/150 điểm
Theo báo Hà Nội Mới, ngày 24/4, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi đánh giá năng lực 3 đợt đầu tiên, thí sinh có điểm cao nhất đạt 129/150, thấp nhất 17/150.
Điểm trung bình và điểm trung vị lần lượt tương ứng 77,2/150 và 77,0/150; độ lệch chuẩn là 13,3.
Theo đánh giá của Đại học Quốc gia Hà Nội, phân bố điểm thi, điểm trung bình và điểm trung vị của 3 đợt thi đầu tiên hầu như không thay đổi so với năm 2023.
Thống kê ban đầu cho thấy, mức điểm ≥ 110 chiếm tỉ lệ gần 1%; số lượt thi đạt ≥ 100 điểm chiếm 5,4%; đạt mức điểm ≥ 90 khoảng 18,1%; đạt điểm ≥ 80 có 41,8%; mức điểm ≥ 75 có khoảng 56,4%.
Điểm cao nhất của 3 đợt thi đầu tiên là 129/150. Còn điểm thấp nhất là 17/150.
Với phổ điểm theo phân phối chuẩn, tại các mức điểm từ 75, 80, 85, 90, 95, 100, 105…, đều có sự khác biệt tương đối thuận tiện cho các đơn vị tuyển sinh xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như điểm chuẩn xét tuyển.
Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông (HSA) do Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp nhận là 104.575 lượt đăng ký dự thi.
Kỳ thi diễn ra từ ngày 23/3 đến ngày 2/6/2024 tại 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trong số 10 tỉnh, thành có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất, Hà Nội luôn chiếm vị trí số một, tiếp đó là Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…
Ba đợt thi đầu tiên tổ chức trong tháng 3 và 4 năm nay phục vụ 50.742 lượt thi, có 15 thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế. Các đợt thi đã tổ chức tại 10/11 tỉnh, thành đặt địa điểm ở khu vực phía Bắc.
Ba đợt thi còn lại của năm 2024 diễn ra vào các ngày 11, 12/5; 25, 26/5 và ngày 1, 2/6 tới.
Điểm bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội không giới hạn thời gian sử dụng. Tuy nhiên, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến nghị sử dụng kết quả bài thi trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày thi cho mục đích tuyển sinh.
Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đại học với các thí sinh có mức điểm từ 80/150 dự thi trong hai năm kể từ ngày thi.
Trúc Chi (t/h)