Qua 3 bệnh viện mới biết mắc vi khuẩn ăn thịt người
Theo Tri Thức bệnh nhân là Đ.V.N., 60 tuổi, ở Chí Linh, Hải Dương, có tiền sử đái tháo đường nặng. Trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân ho nhiều, sốt rét run (40 độ C) kèm đau vùng cơ thắt lưng. Ông N. cho hay đã đến 2 cơ sở y tế khám và điều trị nhưng không đỡ.
Sau đó, ông đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Hà Nội, để điều trị trong tình trạng đau cơ vùng thắt lưng và khớp vai phải tăng dần, kèm sốt cao không rõ nguyên nhân, mệt mỏi nhiều. Sau khi chuyển đến, người đàn ông này đã được điều trị tích cực, chụp cộng hưởng từ khớp vai cho thấy viêm và áp xe cơ dưới vai, viêm xương, viêm mủ khớp vai phải.
Kết quả cấy máu của ông N. cho thấy bệnh nhân mắc vi khuẩn Whitmore (tên khoa học vi khuẩn Burkholderia pseudomallei), còn nhạy cảm với một số kháng sinh đặc hiệu để điều trị vị khuẩn này. Đây là điều may mắn bởi vi khuẩn này rất kháng thuốc và khó điều trị.
Người nhà bệnh nhân cho biết ông không đi đâu ngoài tỉnh Hải Dương. Quãng đường đi lại cũng chỉ từ nhà đến nơi làm việc là lò gạch gần nhà. Ông bị tiểu đường từ 4 năm nay nhưng đã phải tiêm insulin 1 năm trở lại đây.
ThS.BS Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, chia sẻ khu vực Hải Dương không thường xuyên báo cáo ca bệnh Whitmore. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra tản phát ở vùng đồng bằng Bắc bộ và do một bệnh khó chẩn đoán cho nên cũng dễ bị bỏ sót.
Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng và không điển hình, dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người nhiễm Whitmore có thể gặp diễn biến cấp tính, nhiễm trùng máu nặng, nguy kịch, không qua khỏi hoặc có thể gặp nhiễm trùng mạn tính, nhiễm trùng ẩn, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
"Việc điều trị bệnh hiện nay khá khó khăn do vi khuẩn vốn đề kháng tự nhiên với nhiều kháng sinh, đòi hỏi điều trị phải đúng phác đồ, đủ thời gian mới có thể kiểm soát được bệnh. Ngoài thời gian nằm viện điều trị, về nhà, bệnh nhân còn phải uống thuốc 3-4 tháng", bác sĩ Long nói.
Tại viện sau thời gian điều trị điều trị tích cực, các triệu chứng, biến chứng kèm theo của người bệnh đã có chiều hướng cải thiện rõ rệt, cắt sốt, được hội chẩn chuyên khoa Ngoại chấn thương để cân nhắc phẫu thuật làm sạch ổ viêm.
Bác sĩ Long nhấn mạnh hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh; vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn. Bên cạnh đó, người dân cũng cần thực hiện ăn chín uống chín.
Hiện trường vụ đứt cáp vận thang, 10 người thương vong
Theo Công An Nhân Dân chiều 24/6, Đại tá Phạm Danh Mạnh, Trưởng Công an huyện Quốc Oai, Tp.Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra địa bàn xã Đông Yên, huyện Quốc Oai.
Sau khi nắm bắt tình hình ông Đỗ Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Đông Yên thông tin, vụ việc xảy ra vào khoảng 19h10 ngày 18/6 tại địa bàn xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Thời điểm trên, anh Đỗ Danh Th. (SN 1975; trú tại xã Việt Yên, huyện Quốc Oai) là công nhân đang ở dưới lán công trường xây dựng Trường mầm non Đông Yên B thì thấy mất điện.
Khi anh Th. đi lên phía sau công trường (khu vực để thang tời vật liệu) để kiểm tra thì phát hiện có 10 người đang bị thương nằm ở dưới đất. Ngay lập tức, anh Th. gọi một số người khác trong công trường gồm Vương Văn Ng (SN 1991) và Đỗ Thế D. (SN 1984) đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105 Sơn Tây.
Đến khoảng hơn 21h cùng ngày, do thương tích quá nặng nên 3 nạn nhân tử vong gồm: Nguyễn Đình Th. (SN 1976; trú tại xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai), Lò Văn S. (SN 2001; trú tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, Sơn La), Nguyễn Văn Y. (SN 1988; trú tại huyện Bắc Mê, Hà Giang).
Còn 7 nạn nhân bị thương hiện đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Quân Y 105 Sơn Tây.
Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Quốc Oai đã khẩn trương vào cuộc, phối hợp với các đơn vị chức năng Công an Tp.Hà Nội, Công an xã Đông Yên xác minh, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định.
Tp.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên và tích hợp
Theo Giáo dục và Thời đại ngày 24/6, Sở GD&ĐT Tp.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên và tích hợp năm học 2024-2025.
Theo đó, Điểm chuẩn lớp 10 chuyên, tích hợp các trường như sau:
Điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Nguyện vọng 1 là 37 điểm.
Điểm chuẩn chuyên Anh đề án Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Nguyện vọng 1 là 37,5; nguyện vọng 2 là 37,75 và nguyện vọng 3 là 38.
Điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa: Nguyện vọng 1 là 36; nguyện vọng 2 là 36,75 và nguyện vọng 3 là 37.
Điểm chuẩn chuyên Anh đề án Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa: Nguyện vọng 1 là 37, nguyện vọng 2 là 37,25 và nguyện vọng 3 là 37,5.
Điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên Anh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền: Nguyện vọng 1 là 35,5 điểm; nguyện vọng 2 là 35,25; nguyện vọng 3 là 36,5.
Thí sinh trúng tuyển lớp 10 chuyên và tích hợp nộp hồ sơ nhập học tại trường đã trúng tuyển từ ngày 25 đến 16 giờ ngày 29/6. Thí sinh không nộp hồ sơ nhập học sẽ bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển.
Cũng trong ngày Sở GD&ĐT Tp.HCM công bố danh sách thí sinh được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025.
Ngày 30/6, Sở GD&ĐT công bố kết quả chấm phúc khảo.
Từ ngày 2 đến ngày 4/7, hội đồng tuyển sinh duyệt bổ sung danh sách thí sinh trúng tuyển sau phúc khảo.
Ngày 5/7, các trường tổ chức nhận thí sinh trúng tuyển bổ sung lớp chuyên, tích hợp sau phúc khảo (nếu có).
Ngày 10/7, Sở GD&ĐT Tp.HCM họp ban chỉ đạo thi lớp 10 của 21 quận, huyện và Tp.Thủ Đức, hiệu trưởng các trường THPT để thống nhất và công bố điểm chuẩn lớp 10 thường cùng danh sách thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025.
Trúc Chi (t/h)