Thí sinh nên đăng ký khoảng 10 nguyện vọng xét tuyển đại học
Thông tin trên báo Tin Tức, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khuyên thí sinh nên đăng ký khoảng 10 nguyện vọng xét tuyển và san sẻ ở những top ngành, trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, các em không nên dồn tất cả những nguyện vọng vào top ngành, trường cao, vì nếu gặp rủi ro không đỗ thì khả năng không đỗ cả những trường tương tự.
Hiện nay, cả nước có 390.000 thí sinh đăng ký trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng đây là lựa chọn tương đối rủi ro và lo ngại có thể các em nhầm lẫn giữa việc trúng tuyển sớm sẽ không cần phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chỉ ra, có những trường có tiêu chí phụ, điều kiện sơ tuyển phải tiến hành hậu kiểm. Chẳng hạn, các trường công an, quân đội yêu cầu đăng ký nguyện vọng 1 xét tuyển. Nhưng các em cũng đừng quên, nếu không đỗ nguyện vọng 1, các em còn có những lựa chọn khác ở nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Do đó, các em đăng ký thêm nguyện vọng dự phòng. Đồng thời, nghiên cứu kỹ ngành và trường mình mong muốn”.
“Chúng ta trúng tuyển sớm, trúng tuyển có điều kiện vẫn phải thực hiện quy trình cuối cùng là đăng ký trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Nếu chưa đăng ký, ngay từ bây giờ, các em phải truy cập tài khoản của mình để thực hiện quy trình từ đầu đến cuối, không bỏ sót một bước vào. Các em cần cung cấp đủ dữ liệu để hệ thống sử dụng xét tuyển. Đồng thời, kết thúc cả quá trình của mình để hệ thống có thể ghi nhận được quá trình đăng ký cũng như điều chỉnh đăng ký”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học còn đặc biệt lưu ý, khi các em đã đỗ nguyện vọng cao nhất sẽ không vào xét tuyển nguyện vọng tiếp theo mà dành vị trí cho các bạn khác. Các em đã đỗ ở nguyện vọng cao, không yêu cầu trúng tuyển nguyện vọng thấp hơn. Điều chỉnh thứ tự nguyện vọng là vô cùng quan trọng. Khi hệ thống xác nhận có nghĩa các em trúng tuyện nguyện vọng duy nhất.
Qua quá trình tư vấn xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nêu có trường hợp thí sinh quay trở lại hệ thống thấy nguyện vọng đã đăng ký không còn nữa.
“Về mặt kỹ thuật có thể xảy ra hoặc thí sinh đã không làm đầy đủ các quy trình đã được đăng tải. Vì thế các em cần xem lại các quy trình đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng theo clip Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn. Ngoài ra, chúng tôi có đường dây nóng hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Bất kỳ lúc nào các em cần hỗ trợ đều có thể gọi cho kỹ thuật viên để được hỗ trợ", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Khả năng bão Doksuri mạnh lên cấp 15-16, dự báo đi vào Biển Đông
Trao đổi với báo VTC News, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, bão Doksuri khả năng đi vào Biển Đông để trở thành cơn bão số 2 năm 2023.
Bão Doksuri khả năng mạnh lên cấp 15-16, dự báo sẽ đi vào phần Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông. Như vậy cấp mạnh nhất của bão Doksuri có thể lên cấp 16, tức cấp siêu bão.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng, bão Doksuri rất ít khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta, nhưng khu vực Đông Bắc của Bắc Biển Đông sẽ có mưa bão và gió giật mạnh, rất nguy hiểm cho tàu thuyền trong 48-96 giờ tới.
Dự báo ngày và đêm 24/7, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2-3,5 m.
Trong ngày và đêm 24/7, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có thể xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngày và đêm 25/7, vùng biển từ Ninh Thuận đến Bình Thuận, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9; biển động, sóng biển cao 2-4 m. Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao 3-5 m.
Tuần qua, Hà Nội ghi nhận tới 442 ca mắc sốt xuất huyết chỉ trong 1 tuần
Báo Sức khỏe & Đời sống, theo CDC Hà Nội, tuần qua (từ ngày 14 đến 21/7), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước đó). Trong đó, huyện Thạch Thất có số lượng bệnh nhân nhiều nhất là 109; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 35 bệnh nhân; quận Bắc Từ Liêm có 29 bệnh nhân; các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín có 23 bệnh nhân; huyện Phú Xuyên và Thanh Oai có 20 bệnh nhân.
Từ năm 2023 tới nay, Hà Nội ghi nhận 1.556 ca mắc (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 320/579 xã, phường, thị trấn.
Cũng trong tuần qua, Hà Nội có thêm 19 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 3 ổ dịch; 6 quận, huyện: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Oai, Đan Phượng, mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại 4 quận, huyện: Thường Tín, Hà Đông, Phúc Thọ, Thạch Thất có 1 ổ dịch.
CDC Hà Nội cho rằng, số mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây; một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, một số tồn tại như xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu...
Dự báo, thời gian tới, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Trúc Chi (t/h)