Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm 5 năm
Bộ GD&ĐT mới đây đã thông tin một số điểm mới về dự thảo Luật Nhà giáo, dự kiến nội dung dự thảo bộ luật này sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Dự thảo luật trình Quốc hội ngày 17/10 gồm 9 chương 50 điều, đã giảm 24 điều so với khi Bộ GD&ĐT thông tin trước đó.
Bộ GD&ĐT đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo được điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, thống nhất với Luật Viên chức và Bộ Luật Lao động trong một số quy định, đồng thời thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo.
Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Điểm đáng chú ý, đã có sự điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nhà giáo phù hợp với hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, dự thảo đề cập nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Bộ GD&ĐT đánh giá chính sách nghỉ hưu được thiết kế riêng nhằm đáp ứng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, đồng thời phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của nhà giáo.
33.000 tỷ đồng xã hội hóa kiên cố trường học
Sáng 25/10, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, công tác xã hội hóa giáo dục trong 10 năm qua không chỉ góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, tổ chức.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, giai đoạn 2013-2023, có khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Khoảng 36.000 phòng phòng học, 1.300 phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí ước khoảng 33.000 tỷ đồng.
Hai vụ tai nạn liên tiếp khiến 3 người tử vong
Sáng 25/10, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường ĐT.741 (đoạn qua khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) giữa xe đầu kéo và xe máy khiến 2 người tử vong.
Theo thông tin ban đầu trên TTXVN, khoảng 7h30 phút cùng ngày, tài xế Phạm Văn Dũng (32 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe đầu kéo 50H-534.24 lưu thông trên đường ĐT.741, hướng từ huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đi tỉnh Bình Dương.
Đến khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, xe đầu kéo va chạm với xe máy 93M1-019.36 do ông Đàm Văn Thòng (75 tuổi, ngụ huyện Đồng Phú) điều khiển (chưa rõ hướng), chở phía sau là bà Đỗ Thị Hoa (75 tuổi). Vụ tai nạn khiến ông Thòng và bà Hoa tử vong.
Tiếp đó, khoảng 8h30 phút cùng ngày, anh Lê Thanh Đảm (18 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) điều khiển xe máy 71C1-493.81 lưu thông trên Quốc lộ 14, hướng từ huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đi TP Hồ Chí Minh. Đến xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, xe máy của anh Đảm va chạm với xe máy 93B1-135.76 do ông Nguyễn Văn Ý (41 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng) điều khiển cùng chiều phía trước.
Cú va chạm mạnh khiến xe của ông Ý mất kiểm soát, tiếp tục va chạm với xe khách 93B-005.06 (chưa rõ người điều khiển), lưu thông cùng chiều từ phía sau đi lên. Sau va chạm, ông Ý ngã xuống đường, bị xe khách cán tử vong tại chỗ.
Hai vụ tai nạn đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Trúc Chi (t/h)