Một địa phương chỉ cho học sinh đi học 5 ngày/tuần
Mới đây, UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành công văn về việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật với các trường học.
Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học 5 ngày/tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới theo kế hoạch thời gian năm học.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần đảm bảo thực hiện hiệu quả nội dung, chương trình, nhiệm vụ năm học theo quy định.
Tỉnh yêu cầu thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện dạy và học 5 ngày/tuần, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền. Sau khi kết thúc năm học 2024 - 2025, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá tình hình, kết quả việc thực hiện dạy và học 5 ngày/tuần trên địa bàn.
Theo VTC News, ngoài tỉnh Lai Châu cho học sinh học 5 ngày/tuần, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cũng có văn bản về việc cho ý kiến dạy học 5 ngày trong tuần, nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật với học sinh THCS tại thành phố Hà Tĩnh từ năm học 2024 - 2025 theo đề xuất của Phòng GD&ĐT thành phố.
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh yêu cầu Phòng GD&ĐT TP rà soát, nghiên cứu kỹ, đảm bảo điều kiện khi triển khai. Đặc biệt, phải đảm bảo thời lượng học tập theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và phù hợp với thực tiễn, xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày trong các nhà trường khoa học, hợp lý, khảo sát lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh, học sinh để tạo sự đồng thuận.
Vụ 3 cháu bé mất tích ở Ninh Bình: Tự nấu cơm ăn trong căn nhà khóa kín
Sáng 25/9, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an huyện Kim Sơn và người dân ở xã Kim Tân tiếp tục rà soát kỹ các ngõ ngách dọc tuyến đường nghi vấn nơi 3 anh em ruột là các cháu Trần Anh Tú (12 tuổi), Trần Thủy Tiên (8 tuổi) và Trần Anh Tài (5 tuổi) mất tích. Đến khoảng 9h45 ngày 25/9, tổ công tác phát hiện tại ngôi nhà 2 tầng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Kiên (SN 1987) và chị Trịnh Thị Hương (SN 1989) có tiếng động lớn trong nhà, bên ngoài cửa khóa.
Lập tức, tổ công tác tiếp cận gọi lớn thì nghe thấy có tiếng trẻ con bên trong, quá trình xác minh nhanh cháu Tú nói vọng ra ngoài. Ngay sau đó, 3 cháu được đưa ra trong tình trạng an toàn, khỏe mạnh.
Theo thông tin ban đầu trên Công An Nhân Dân từ cháu Trần Anh Tú, khoảng 9h30 sáng 22/9, cháu cùng 2 em đi ra cổng chơi, thấy nhà bạn Nguyễn Duy Khánh (con trai chị Hương, SN 2013) đang mở cửa nên Tú dẫn 2 em vào trong nhà chơi. Lúc này, Khánh không có trong nhà (đã đạp xe sang nhà bà ngoại). Tú dắt 2 em lên tầng trên chơi, xem điện thoại (nhà có wifi). Đến buổi trưa cùng ngày, bà Nguyễn Thị Dựa (SN 1962, mẹ chồng chị Hương) nhà ở gần bên sang nhà khóa cửa cho con.
Tuy nhiên, thấy bà Dựa sang, Tú cùng các em trốn lên tầng 2. Sau đó, 3 cháu tiếp tục ở lại đó chơi, tự kiếm đồ ăn nấu cơm và xem điện thoại. Do về nhà sợ bà và bố mắng nên 3 cháu vẫn ở nhà cháu Khánh đến khi cơ quan Công an phát hiện.
Theo Vietnamnet, vì ở trong nhà đã khóa cửa, các cháu không thể mở, cũng không tìm được đường ra để về. "Các cháu bị mắc kẹt nên đã lấy đồ ăn của chủ nhà rồi tự nấu cơm ăn, rửa bát và chơi đồ chơi trong nhà", anh Tuấn cho hay.
Sau khi tìm được các con, anh Trần Văn Tuấn (SN 1985), trú tại xóm 12, xã Kim Tân xúc động, ôm chặt các con vào lòng, nở nụ cười tươi trong niềm hạnh phúc. Thay mặt gia đình, anh Tuấn gửi lời cảm ơn tới Ban Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an huyện Kim Sơn và chính quyền địa phương đã hỗ trợ, tìm các cháu.
Được biết, hai vợ chồng anh Tuấn đã ly hôn từ lâu, các cháu ở với bố và ông bà nội. Buổi trưa, khi đến giờ ăn cơm không thấy các con, anh Tuấn hốt hoảng tìm kiếm nhưng không thấy.
Lương nhà giáo có thể được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc xây dựng Luật Nhà giáo là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục";
Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.
Trúc Chi (t/h)