Bản tin 26/1: Tp.HCM chi quà Tết cho giáo viên mức 1,8 triệu đồng/người

Bản tin 26/1: Tp.HCM chi quà Tết cho giáo viên mức 1,8 triệu đồng/người

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 6, 26/01/2024 06:00

Tp.HCM chi quà Tết cho giáo viên mức 1,8 triệu đồng/người; Nhiều người méo miệng, đột quỵ vì giá lạnh...

Tp.HCM chi quà Tết cho giáo viên mức 1,8 triệu đồng/người

Xã hội - Bản tin 26/1: Tp.HCM chi quà Tết cho giáo viên mức 1,8 triệu đồng/người

Ảnh minh họa.

Sở GD&ĐT Tp.HCM vừa có hướng dẫn các đơn vị trường học triển khai thực hiện việc chi quà Tết Giáp Thìn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị.

Cụ thể, mức chi là 1,8 triệu đồng/người dành cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT.

Đối với cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, nguồn kinh phí được trích từ ngân sách TP bổ sung dự toán kinh phí để chi quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP, để kịp thời chi quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các đơn vị chi từ nguồn kinh phí được giao trong dự toán năm 2024.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, nguồn kinh phí chi quà Tết được đơn vị tự cân đối từ nguồn kinh phí giao tự chủ, nguồn thu của đơn vị để chi quà Tết cho cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị.

Được biết, đây là mức chi quà Tết như trên thực hiện theo kế hoạch tổ chức các hoạt động và kinh phí chăm lo Tết Giáp Thìn của UBND Tp.HCM.

Ngoài mức chi quà Tết như trên, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn TP cũng có kế hoạch chăm lo Tết, thưởng Tết cho giáo viên. Nhiều giáo viên khối THPT cho biết, mức thưởng Tết dao động ở khoảng từ 15 đến 40 triệu đồng/người, tùy thuộc vào khoản kết dư cuối năm ở mỗi cơ sở giáo dục.

Hà Nội: Các trường học tiếp tục linh hoạt phương án dạy học khi trời rét hại

Xã hội - Bản tin 26/1: Tp.HCM chi quà Tết cho giáo viên mức 1,8 triệu đồng/người (Hình 2).

Ảnh minh họa.

Theo báo Hà Nội Mới trước tình hình thời tiết rét hại kéo dài có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiếp tục linh hoạt việc tổ chức dạy học, bảo đảm các điều kiện học tập ấm áp và an toàn cho học sinh.

Ngày 25/1, là ngày thứ ba liên tục thời tiết ở khu vực Hà Nội chuyển lạnh với mức nhiệt dưới 10 độ C. Với mức nhiệt độ này, theo quy định, học sinh tiểu học và trẻ mầm non được nghỉ học. Hiệu trưởng nhà trường được giao chủ động quyết định việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh trong những ngày trời rét đậm.

Trước tình hình đợt rét đậm rét hại còn diễn biến phức tạp các nhà trường tiếp tục linh hoạt phương án tổ chức dạy học khi trời chuyển lạnh sâu ở mức dưới 10 độ.

Hầu hết các trường mầm non công lập, ngoài công lập và cả các nhóm trẻ độc lập tư thục đều duy trì việc mở cửa đón trẻ đến trường bình thường. Giờ đón - trả trẻ hằng ngày được thực hiện linh hoạt nhằm bảo đảm thuận lợi tối đa cho phụ huynh.

Bà Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Hoa Anh Đào, quận Long Biên cho biết: “Ngay khi có thông tin về việc Sở Giáo dục và Đào tạo quy định trẻ mầm non nghỉ học khi trời lạnh dưới 10 độ C, gia đình tôi rất lo lắng khi nghe bản tin thời tiết sáng. Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân ở khu công nghiệp, ông bà nội ngoại ở xa. Rất may là nhà trường vẫn duy trì việc chăm sóc các con và tăng cường các điều kiện giữ ấm trong lớp, vì thế chúng tôi rất yên tâm”.

Cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố cũng linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong những ngày trời rét đậm. Đơn cử, Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) có tới hơn 95% học sinh đến trường trong ngày 25/1, tăng hơn 5% so với ngày 24/1.

Hầu hết các trường vẫn duy trì việc mở cửa đón học sinh trong những ngày trời rét đậm, có những trường chỉ có vài học sinh đi học. Một số trường ở quận Hoàng Mai như Tiểu học Thúy Lĩnh, Tiểu học Thanh Trì đã chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến. Một số trường thực hiện việc giao nhiệm vụ cho học sinh nếu các em không đến trường.

Tính đến 11h30, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở ghi nhận tình hình hoạt động của các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn diễn ra bình thường. Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, Sở yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiếp tục linh hoạt việc tổ chức dạy học, bảo đảm các điều kiện học tập ấm áp và an toàn cho học sinh.

Nhiều người méo miệng, đột quỵ vì giá lạnh

Xã hội - Bản tin 26/1: Tp.HCM chi quà Tết cho giáo viên mức 1,8 triệu đồng/người (Hình 3).

Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo Giao Thông, Bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết bước vào đợt lạnh này, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận 3-5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, gồm cả người già và người trẻ. Hầu hết bệnh nhân đều đến viện trong tình trạng mặt méo, miệng méo, không khép kín được mí mắt.

Nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của người bệnh, đặc biệt là người trẻ. Có trường hợp bệnh nhân đi tập thể dục buổi sáng nhưng mặc không đủ ấm; Có trường hợp mở cửa đột ngột sau khi thức giấc... khiến liệt dây thần kinh số 7.

Còn tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… cũng gia tăng. Các bác sĩ lý giải vào những ngày trời lạnh, cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Điều này làm tăng khả năng nhồi máu cơ tim ở những người vốn có sẵn yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá…

Thời tiết chuyển lạnh sâu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch từ trước. TS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg. Việc duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.

Thời tiết lạnh cũng làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình. Theo thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.

Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Ngoài ra, mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa... Huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200 mmHg, nếu không phát hiện, dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.

"Đặc biệt những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm. Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu oxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi", Bác sĩ Tuấn Anh thông tin.

Để phòng các bệnh lý liệt dây thần kinh số 7 và tim mạch hay đột quỵ, theo khuyến cáo từ Bác sĩ Tuấn Anh, vào mùa lạnh, điều quan trọng nhất là người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.

Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh. Việc này rất nguy hiểm do phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể không thích ứng được, làm xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

Những bệnh nhân bị tăng huyết áp nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và cần có sự theo dõi của nhân viên y tế.

Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Đối với người cao tuổi sức đề kháng yếu và những người mắc các bệnh về tim mạch cần tuyệt đối thực hiện các biện pháp dự phòng, giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Cần tiếp tục duy trì điều trị các bệnh tim mạch theo hướng dẫn của bác sỹ.

Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi. Phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.