Lịch học bù của học sinh Hà Nội sau 5 ngày nghỉ liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
Theo Đại Đoàn Kết Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 gửi các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; các đơn vị, trường học trực thuộc và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Theo quy định chung, cán bộ, công chức, người lao động của ngành được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).
Vì vậy, học sinh các trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cũng được nghỉ 5 ngày liên tục, cụ thể là từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5. Lịch này áp dụng cho các trường có lịch nghỉ cố định 2 ngày/tuần vào thứ Bảy, Chủ nhật.
Trước câu hỏi của nhiều phụ huynh học sinh về thời gian học bù với các trường không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày/tuần, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở hướng dẫn các nhà trường căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, hầu hết học sinh ở cấp THCS, THPT, giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố thường chỉ nghỉ cố định vào ngày Chủ nhật.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, đến thời điểm này, nhiều trường thông báo cho học sinh nghỉ 5 ngày, thời gian học bù sẽ được bố trí trong thời gian còn lại của năm học 2023-2024.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng vừa công bố số điện thoại trực: 024.38257260, 024.39421420 để xử lý kịp thời những vấn đề đột xuất, phát sinh xảy ra trong những ngày nghỉ lễ.
Người phụ nữ mắc bệnh nguy hiểm vì vết loét nhỏ
Theo Tri Thức bà L.T.Q. (71 tuổi, quê Hưng Yên) đến khám tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, với chẩn đoán sốt mò, hạ natri máu và nhiều bệnh nền khác.
Bà Q. sinh sống ở vùng quê có nhiều cây cối rậm rạp, thường làm việc ở khu vực bãi bồi. 7 ngày trước vào viện, bà có dấu hiệu sốt cao liên tục kèm cơn rét run, nhiệt độ cao nhất là 39 độ C kèm đau đầu, đau mỏi toàn thân.
Bà có dùng thuốc kháng sinh, hạ sốt tự mua ở quầy thuốc địa phương (không rõ thuốc) nhưng tình trạng không đỡ. Do thấy cơ thể mệt, sốt cao liên tục 38-39,5 độ C, đau đầu nhiều, bệnh nhân mới đi khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Tuyết Mai, khoa Bệnh Nhiệt đới, cho biết trên người bà Q. xuất hiện nốt loét điển hình ở vùng cẳng tay trái gần nếp gấp khuỷu, kích thước khoảng 1 cm, hình bầu dục, trung tâm có vảy đen, viền đỏ, nổi gờ trên bề mặt da, không đau, không ngứa.
Sau khi làm các xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán bị sốt mò, hạ natri máu, suy giáp… Ngay sau đó, bà được điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị sốt mò, bù nước điện giải, bảo vệ tế bào gan, bù hormone tuyến giáp cùng các triệu chứng kèm theo.
May mắn, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, cắt sốt, đỡ đau đầu đau người nốt loét đóng vảy tiết khô, hết nề đỏ.
Theo số liệu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt mò có mặt ở hầu hết 24 tỉnh, thành phía Bắc (chưa kể phía Nam), chiếm 38,51% số bệnh nhân sốt nhập viện, không rõ căn nguyên. Trong đó, khoảng 31,8% bệnh nhân sốt mò không rõ nốt loét đặc trưng.
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do tác nhân Orientia tsutsugamushi gây ra. Người bị bệnh do vi khuẩn lây truyền từ các loài gặm nhấm, chủ yều là từ chuột sang người qua ấu trùng của mò Leptothrombidium có mang mầm bệnh đốt.
Người bệnh sốt mò thường có các triệu chứng sốt cao liên tục và kéo dài, đau đầu nhiều, da xung huyết, xung huyết kết mạc mắt, có thể có vết loét và có viêm hạch.
Vết loét điển hình của sốt mò thường có hình bầu dục, kích thước 0,5-2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch. Vết loét thường không đau, không ngứa và khu trú ở những vùng da mềm như cổ, nách, ngực, bụng, bẹn… nên người bệnh cũng không biết đến.
Bệnh thường hay bị chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh như cúm, sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết, Leptospirose… Bệnh nhân cần được điều trị sớm và tích cực để tránh các biến chứng nguy hiểm như viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, viêm tắc động tĩnh mạch, trụy tim mạch, viêm phổi bội nhiễm, phù phổi, viêm thận, suy đa tạng,.. thậm chí tử vong.
Đến nay, bệnh sốt mò chưa có vaccin dự phòng. Để phòng bệnh, mọi người nên xử lý ổ lây nhiễm thông qua việc phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loài gặm nhấm.
Nuốt đồng xu của máy trò chơi, bé gái 3 tuổi phải nhập viện cấp cứu
Thông tin ban đầu trên Sức khỏe & Đời sống trước khi vào viện, bệnh nhân bỗng có dấu hiệu sốt cao liên tục kèm cơn rét run, nhiệt độ cao nhất là 39 độ C kèm đau đầu, đau mỏi toàn thân.
Cụ thể, ngày 24/4/2024, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nội soi cấp cứu thành công, gắp được dị vật là một đồng xu nằm ở thực quản của bé gái tên Lê Ngọc Khánh N, (sinh ngày 18/9/2021, ở Phường Tăng Tiến, thị xã Việt Yên). Hiện sức khỏe bệnh nhi đã hồi phục hoàn toàn.
Trước đó, bé N. được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu trong tình trạng quấy khóc, đau, tức vùng cổ.
Theo lời kể của gia đình, 13h chiều cùng ngày, bé N. chơi ở nhà và nuốt phải đồng xu của máy trò chơi nên được gia đình đưa đến bệnh viện.
Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ thăm khám và cho bệnh nhi chụp X-quang. Kết quả cho thấy, có dị vật hình tròn, nằm ngang đoạn 1/3 trên thực quản ngang mức cột sống T1-2. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định nội soi can thiệp gắp dị vật đường tiêu hoá và chuyển bệnh nhi lên khoa Thăm dò chức năng để tiến hành lấy dị vật.
Do bệnh nhi còn nhỏ nên để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cháu bé, các bác sĩ đã tiến hành gây mê và nội soi can thiệp gắp dị vật. Chỉ trong vòng 5 phút, ekip nội soi do BS.CKII Hoàng Trường Giang, Phó Giám đốc bệnh viện đã gắp thành công một đồng xu kim loại có đường kính 2cm ra khỏi thực quản của bé. 15 phút sau nội soi, bệnh nhi đã tỉnh táo hoàn toàn, hết đau ngực, hết khó thở, không còn dấu hiệu nuốt vướng, nghẹn và đã được về nhà.
BS.CKII Hoàng Trường Giang, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, nhiều trường hợp dị vật mắc lại trong đường tiêu hóa gây tắc ruột, thủng ruột hoặc thậm chí nếu rơi vào thanh quản gây tắc đường thở, dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp của bé N. khá may mắn khi dị vật rơi vào đường tiêu hoá, được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Dị vật dạng trơn nhẵn nên bé không có tổn thương ở niêm mạc thực quản.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ huynh có con nhỏ cần lưu ý, không cho trẻ chơi những vật dụng, đồ chơi nhỏ vì trẻ có thể nuốt vào bất cứ lúc nào… để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Trường hợp khi trẻ nuốt phải dị vật, phụ huynh cần định hướng sớm là dị vật đường tiêu hoá hay dị vật đường thở. Nếu loại trừ dị vật đường thở cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế có thể can thiệp bằng nội soi để bác sĩ xử trí và gắp dị vật ra ngoài.
Trúc Chi (t/h)