Hy hữu: Người đàn ông vào viện cấp cứu vì khát nước liên tục
Ông N.V.C. (66 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê khám vì sụt cân nhanh, liên tục khát nước. Người đàn ông này nặng 66kg, có khối cơ săn chắc, nhưng chỉ trong hơn 1 tuần đã giảm 2kg, cảm giác háo nước nên phải uống liên tục.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho biết chỉ số đường máu của bệnh nhân tăng gấp 5 lần so với bình thường, HbA1c lên đến 14.6% (chỉ số bình thường 4.2-6.8%).
Trao đổi với Vietnamnet, Bác sĩ Vi Thị Thùy Dung, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, cho biết, sau khi đưa chỉ số đường máu trở về mục tiêu, bệnh nhân được duy trì phác đồ điều trị đái tháo đường. Đồng thời, bác sĩ tư vấn chế độ dùng thuốc, ăn uống, sinh hoạt sau khi ra viện nhằm kiểm soát đường huyết và hạn chế biến chứng.
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa gluxit, protein và lipid, đặc trưng bởi tăng glucose trong máu do giảm tiết insulin, giảm hiệu quả hoạt động insulin hoặc cả hai. Đường huyết liên tục tăng cao, không được kiểm soát gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thận, thần kinh cho người bệnh.
Đái tháo đường gắn liền với nguy cơ phát triển các bệnh lý thận, mắt, thần kinh, tim mạch và làm tăng nguy cơ tử vong. Bệnh đái tháo đường có thể điều trị và kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và kiểm soát các bệnh đồng mắc để hạn chế biến chứng, đảm bảo sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Theo bác sĩ Dung, bệnh nhân mắc đái tháo đường dù ăn nhiều, uống nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh do cơ thể thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả khiến đường trong máu tăng cao. Lượng đường này không được vận chuyển đến tế bào để duy trì hoạt động, nên cơ thể sẽ lấy năng lượng từ mô mỡ đã tích lũy từ trước. Việc thiếu năng lượng khiến người bị tiểu đường luôn cảm thấy đói và thèm ăn, trong khi cân nặng sụt giảm.
Ngoài ra, bệnh nhân có triệu chứng khát do đường trong máu tăng cao, thận tăng cường hoạt động để thải đường ra ngoài kèm lượng nước tiểu. Việc tiểu nhiều lần và mất nhiều nước khiến cơ thể luôn cảm thấy khát và uống nhiều hơn.
Giá xăng dầu tăng đồng loạt, loại cao nhất lên 20.510 đồng/lít
Giá xăng dầu vừa được liên Bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh từ 15h00 chiều ngày 26/9. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 680 đồng/lít so với kỳ điều hành trước, giá bán mới là 19.620 đồng/lít. Giá xăng RON95-III không cao hơn 20.510 đồng/lít, sau khi được điều chỉnh tăng 210 đồng/lít so với giá bán lẻ từ ngày 19/9.
Trong khí đó giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.500 đồng/lít (tăng 460 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Giá dầu hỏa không cao hơn 17.870 đồng/lít (tăng 320 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Tương tự trong kỳ này, giá dầu mazut 180CST 3.5S cũng tăng 530 đồng/lít so với kỳ trước, giá bán mới là 15.350 đồng/kg.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 19 - 26/9) chịu ảnh hưởng của các yếu tố, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất, bão tại vịnh Mexico của Mỹ, nhu cầu dầu của Trung Quốc vẫn yếu, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn,… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm tùy từng mặt hàng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 37 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng RON95, E5RON92 có 18 lần tăng và 19 lần giảm, dầu diesel 15 lần tăng, 22 lần giảm và dầu mazut có 20 lần tăng, 17 lần giảm.
Học sinh lớp 12 sốt ruột chờ phương án tuyển sinh đại học năm 2025
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dự kiến từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn với 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Tại thời điểm này, phương án tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ được điều chỉnh như thế nào đang là mối quan tâm của giáo viên, phụ huynh và học sinh khi đây là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018.
Hiện học sinh khối 12 đã bắt đầu tìm hiểu về công tác tuyển sinh đại học năm 2025. Câu hỏi được nhiều học sinh đặt ra nhất là: năm tới, phương thức xét tuyển sớm, trong đó có xét tuyển học bạ còn được áp dụng không? Chỉ tiêu giữa các phương thức sẽ như thế nào?
Theo Kinh tế & Đô thị, trong khi học sinh đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT thì một số trường đã công bố phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2025. Theo đó, Trường Đại học Nha Trang sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập bậc THPT và kết quả đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Trúc Chi (t/h)