Nghiên cứu dùng ETC để thu phí đậu ô tô trong nội thành Tp.HCM
Theo Dân Trí, ngày 26/10, Văn phòng UBND Tp.HCM đã truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, về phương án quản lý, tổ chức hoạt động sử dụng tạm thời lòng, lề đường để đỗ ô tô có thu phí. Chỉ đạo được đưa ra sau khi Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đề nghị áp dụng tài khoản thu phí không dừng (ETC) vào hoạt động này.
Chủ tịch UBND Tp.HCM giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành nhanh chóng xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong. Phần việc này cần hoàn thiện trước ngày 15/11
Việc thu phí đỗ xe ô tô tại một số tuyến đường ở Tp.HCM hiện được thực hiện thông qua phần mềm My Parking. Tuy nhiên, phần mềm này bộc lộ một số hạn chế, chủ phương tiện phải tốn nhiều thời gian để cài đặt, gặp nhiều phiền hà và chưa tạo thuận tiện cho nhân viên thu phí.
Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong cho rằng, việc sử dụng giải pháp tài khoản giao thông thu phí ETC sẽ tạo nhiều thuận lợi trong quản lý và tổ chức thu phí đỗ xe ở lòng, lề đường. Hiện, Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đã phối hợp với Công ty thu phí tự động VETC hợp tác triển khai phương án trên.
Theo phương án được Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đưa ra, việc áp dụng tài khoản giao thông thu phí ETC vào việc thu phí ô tô đỗ tại lòng, lề đường cần được đầu tư thêm phần mềm, thiết bị đọc thẻ cầm tay. Các tài xế sẽ sử dụng phần mềm VETC đã được cài đặt sẵn trên thiết bị di động của tài xế.
Công ty dự kiến, việc sử dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tăng doanh thu từ 30% đến 50% so với hiện tại. Về tỉ lệ phân chia doanh thu thu phí, Công ty thu phí tự động VETC đề xuất hưởng 17%, ngân sách TPHCM sẽ thu về 30% và 53% tổng số thu sẽ được Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong dùng để trả lương, chi trả các chi phí hoạt động khác phục vụ việc thu phí ô tô đỗ tại lòng, lề một số tuyến đường.
Xôn xao clip giáo viên nam có hành động "khóa tay" giáo viên nữ trong lớp học
Những ngày qua, mạng xã hội đang lan truyền clip một giáo viên nam có hành động "khóa tay" một cô giáo sau đó đưa ra khỏi lớp học trước sự chứng kiến của nhiều học sinh.
Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội đoạn clip đã thu hút rất nhiều sự quan tâm. Được biết, sự việc xảy ra ở Trường THPT Hai Bà Trưng (Tp.Huế).
Ngày 26/10, trao đổi với báo Lao Động, ông Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng xác nhận, sự việc trong clip xảy ra tại ngôi trường này.
Cụ thể, sự việc xảy ra ngày thứ 7 (22/10), vào tiết sinh hoạt chủ nhiệm của lớp 10* . Trong clip có xuất hiện 3 giáo viên gồm: Cô giáo đứng ở bục giảng là chủ nhiệm (tên D); thầy giáo (tên P) và cô giáo bị kéo ra khỏi lớp tên (T).
Sau sự việc, trường đã có báo cáo với các cơ quan chức năng. Hiện, nhà trường đang xác minh để tìm hiểu chính xác bản chất của sự việc sau đó mới có phương án xử lý tiếp theo
Được biết, clip lan truyền trên mạng chỉ là một phần của clip gốc nên có thể không đúng quá trình, diễn biến và bản chất vụ việc. Bước đầu, nhà trường làm việc đã có một vài kết quả, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ.
“Nhà trường đang tiếp tục xác minh và có thông tin cụ thể cho báo chí cũng như báo cáo các đơn vị liên quan khi có kết quả chính xác nhất", ông Thức thông tin.
Liên quan đến sự việc, trong chiều 26/10, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế đã mời các giáo viên lên nghe báo cáo toàn bộ diễn biến vụ việc xảy ra hôm đó tại lớp và đã chỉ đạo Hiệu Trưởng Trường Hai Bà Trưng báo cáo đầy đủ về vụ việc.
"Căn cứ báo cáo của trường và nghiên cứu các quy định về thực hiện quy tắc ứng xử công vụ và các quy định hiện hành, Sở sẽ xử lý nghiêm viên chức, cá nhân vi phạm theo quy định, cũng như trách nhiệm công tác quản lý của lãnh đạo nhà trường để xảy ra vụ việc đáng tiếc trên", nguồn tin của Lao Động cho hay.
Ngư dân được thưởng hơn 106 triệu đồng vì lai dắt tàu vô chủ về bến
Ngày 26/10, thông tin với Tiền Phong, UBND tỉnh Bình Định cho hay tỉnh đã có quyết định phê duyệt chi thưởng và hỗ trợ kinh phí cho người có công phát hiện, lai dắt, bảo vệ tàu vỏ sắt và hàng hóa trôi dạt trên vùng biển Bình Định.
Theo đó, tỉnh Bình Định quyết định chi thưởng, hỗ trợ hơn 106 triệu đồng cho ông Phan Thanh Xuân (SN 1970, trú thôn Tân Phụng 1, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), đại diện cho những người cùng tham gia lai dắt, bảo vệ tàu vỏ sắt và hàng hóa trôi dạt trên vùng biển Bình Định.
Ngày 23/1/2021, tàu cá BĐ 94323 TS của ông Phan Thanh Xuân đang đánh bắt cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 62 hải lý thì phát hiện 1 tàu vỏ sắt đang trôi dạt trên biển, không có người điều khiển nên đã lai dắt đưa vào neo đậu an toàn trên khu vực biển tỉnh Bình Định.
Theo đó, tàu vỏ sắt này dạng tàu vận tải, không có tên tàu, không có số hiệu (dài 31,9 m, rộng 6,8 m, chiều cao thân tàu 2 m), thân tàu sơn màu xám, ca bin sơn màu xanh. Bên trong hầm hàng của tàu có tổng cộng 71 kiện hàng có đặc điểm, kích thước giống nhau, trong đó có 1 kiện hàng bị rách bên trong chứa nhiều quần áo cũ.
Sau khi lai dắt tàu vào neo đậu, chủ tàu đã báo cáo vụ việc với Đồn Biên phòng Mỹ An (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Định) để xử lý theo quy định.
Được biết, UBND tỉnh Bình Định đã thông báo rộng rãi để tìm chủ sở hữu tàu vỏ sắt. Sau 60 ngày kể từ ngày ra thông báo, không có cá nhân, tổ chức nào đến xác nhận là chủ sở hữu tàu. Lực lượng chức năng đã xử lý tàu và hàng hóa nói trên theo quy định của pháp luật.
Minh Hoa (t/h)