Một huyện ở Hà Nội yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động liên kết trong trường
Theo Vietnamet, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai, Hà Nội vừa có công văn gửi hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động liên kết trong nhà trường. Việc này nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Thanh Oai về việc tăng cường quản lý đối với các hoạt động liên kết trong nhà trường.
Cụ thể, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai yêu cầu các trường thực hiện nghiêm Công văn 2590/UBND-ĐKT ngày 22/11/2023 của UBND huyện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý đối với các hoạt động liên kết trong nhà trường.
Trong khi chờ hướng dẫn của các cấp về việc lập, xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai yêu cầu các nhà trường tạm dừng toàn bộ các hoạt động liên kết kể từ ngày 27/11.
Phòng GD&ĐT huyện này cũng yêu cầu các trường tuyên truyền đến các bậc cha mẹ học sinh về việc tạm dừng các hoạt động liên kết.
Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng GD&ĐT, UBND huyện nếu tự ý triển khai các hoạt động liên kết khi chưa đảm bảo đúng quy định. Phòng GD&ĐT đề nghị các hiệu trưởng nghiêm túc thực hiện.
Gần 92.000 ca nhiễm và 167 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trong 2 năm qua
Ngày 25/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo từ tháng 1/2022 đến hết tháng 10/2023, đã có tổng cộng 91.788 ca nhiễm và 167 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ gia tăng vào năm ngoái ở châu Âu và Mỹ đã khiến WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Đây cũng là mức báo động cao nhất mà tổ chức này đưa ra vào tháng 7/2022. WHO đã dỡ bỏ tình trạng này vào tháng 5 năm nay nhưng khuyến cáo người dân nên cảnh giác.
TTXVN dẫn nguồn WHO, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu chủ yếu liên quan đến nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và những người có nhiều bạn tình. Các triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt, nhức đầu, đau cơ và đau lưng trong 5 ngày.
Sau đó, người bệnh xuất hiện các nốt phát ban trên mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, tiếp đến là các tổn thương đau đớn, các vết đốm và cuối cùng là bong vảy. Bệnh nhân thường tự khỏi sau từ 2-4 tuần. Bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu.
Hiện bệnh đang lây lan mạnh tại CHDC Congo. Theo WHO, từ đầu năm tới nay, Congo đã ghi nhận 12.569 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 581 trường hợp tử vong. Đây là con số bệnh nhân bệnh này tính theo năm cao nhất tại Congo từ trước tới nay. Ca bệnh đậu mùa khỉ ở người đầu tiên tại Congo được xác định vào năm 1970. Bệnh chủ yếu lưu hành tại một số quốc gia Tây và Trung Phi, do virus lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người.
WHO cho biết có tới 22/26 tỉnh của Congo báo cáo các ca nhiễm bệnh, với các trường hợp mới ở các khu vực bệnh chưa từng xuất hiện, trong đó có Kinshasa, Lualaba và Nam Kivu. Các chuyên gia WHO lo ngại nguy cơ lây truyền một biến thể mới và đang phối hợp với Bộ Y tế Congo để đánh giá tình hình.
Hai xe máy đối đầu, 3 thiếu niên tử vong
Ngày 26/11, Công an Tp.Kon Tum cho biết đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông khiến 3 thiếu niên tử vong xảy ra tại tỉnh lộ 671 thuộc phận xã Ia Chim, Tp.Kon Tum.
Theo thông tin ban đầu trên QĐND, khoảng 23H ngày 24/11, trên tỉnh lộ 671, xe máy biển số 27S-018.XX do A.S. 15 tuổi, trú tại làng Plei Jơ Drợp, xã Đắk Năng, Tp.Kon Tum điều khiển chạy ngược chiều với xe máy mang biển số 82B1-896.XX do A.T. 16 tuổi điều khiển chở theo A.K. 15 tuổi, cùng trú tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim, Tp.Kon Tum.
Khi đến trước cổng Trường THPT Phan Bội Châu (địa phận thôn Plei Sar, xã Ia Chim) cả hai xe máy đã đấu đầu, va chạm mạnh với nhau. Hậu quả của vụ tai nạn khiến A.T. tử vong tại chỗ, A.K. và A.S. tử vong khi đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.
Nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Trúc Chi (t/h)