Báo động mức sinh ở Việt Nam thấp "chưa từng có"
Theo Vietnamnet nếu mức sinh tiếp tục giảm, theo dự báo của Liên Hợp Quốc, năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ. Đến năm 2700, Việt Nam chỉ còn vài chục nghìn người.
Đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết theo số liệu ước tính, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ). Đây là số liệu được công bố tại Lễ kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12 và tổng kết công tác dân số năm 2023.
Ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, cho biết giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam “nhanh hơn thế giới” và ngày càng rõ nét. Nếu những năm trước, phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, hai năm gần đây, mức sinh xuống thấp dưới 1,7. Ở nông thôn, mức sinh năm 2023 ước tính cũng xuống dưới mức sinh thay thế, trong khi vài năm trước, con số này tiệm cận mức 2,4.
Tình trạng báo động nhất là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Cả nước hiện chỉ còn vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ mức sinh còn cao.
Thực tế, trong 3 năm qua, mức sinh trung bình của 21 tỉnh/thành phố thuộc vùng mức sinh thấp đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số địa phương có xu hướng tiếp tục giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, Tp.HCM.
“Theo ước tính, năm 2023 mức sinh của Tp.HCM là 1,27 con/phụ nữ, rất thấp; phụ nữ ở tỉnh Hậu Giang cũng chỉ sinh khoảng 1,5 con”, ông Sơn nói.
Các tỉnh thuộc vùng mức sinh cao tiếp tục biến động khó lường. Hiện chỉ còn 4 địa phương trong nhóm 9 tỉnh đạt mức sinh thay thế (năm 2020) giữ vững kết quả, gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.
Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỉ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Trong khi nếu ở phương án mức sinh thấp, chỉ 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỉ lệ tăng dân số ở mức âm.
“Trong bối cảnh suy giảm dân số toàn cầu, nếu nước ta duy trì vững chắc mức sinh thay thế sẽ ổn định quy mô dân số trên 100 triệu dân. Nếu không duy trì được và giảm sinh thì Liên Hợp Quốc dự báo năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ. Đến năm 2700, Việt Nam chỉ còn vài chục nghìn người”, ông Sơn nói.
Theo vị chuyên gia, mức sinh không phải là câu chuyện “đẻ ít đẻ nhiều” mà việc tái sản xuất dân số còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc.
Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ những đứa trẻ là "con một" trong tương lai, khi phải gánh vác an sinh cho một xã hội già, siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động.
Do đó, theo đại diện Cục Dân số, với vùng mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con; Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng...
Việc hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai và sinh con; hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con cũng là nội dung cần thí điểm, theo Cục Dân số.
Thương tâm người phụ nữ tử vong trên đường đi dự đám tang cháu
Người chồng chở vợ bằng xe máy, đi từ Hà Nội về Hải Dương để thắp hương cho cháu, không may xảy ra tai nạn. Hậu quả người vợ tử vong tại chỗ.
Thông tin ban đầu trên ATGT, vụ tai nạn xảy ra vào hồi 8h55 ngày 26/12 tại Km 22+720 quốc lộ 5, thuộc địa phận phường Bần Yên Nhân, TX Mỹ Hào, Hưng Yên.
Theo cơ quan chức năng địa phương, vào thời điểm trên ở chiều đường Hà Nội - Hải Phòng xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe mô tô BKS 98N9-860x do ông Nguyễn Kim Đ (SN1961, trú Kim Mã, Ba đình, Hà Nội) điều khiển, chở sau bà Trần Thị B (SN 1962, vợ ông Đ) đi theo hướng Hà Nội - Hải Phòng.
Khi xe đi qua địa phận phường Bần Yên Nhân va chạm với ô tô tải BKS 89C-065.23 do anh Nguyễn Văn H (SN 1972, trú Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên) đi cùng chiều.
Hậu quả, bà B tử vong tại chỗ. Xe mô tô hư hỏng.
Được biết, ông Đ và bà B đang trên đường từ Hà Nội về Hải Dương để thắp hương cho cháu trai cũng vừa mất do tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 25/12.
Hiện, Công an tỉnh Hưng Yên đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Cháu bé bị liệt dây thần kinh khi thời tiết giao mùa
Theo Sức khỏe & Đời sống, cháu T.G.H, mới 24 tháng tuổi ở thành phố Việt Trì, nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột khi được bố mẹ cho đi xe máy buổi tối.
Theo mẹ cháu chia sẻ, trước hôm bị bệnh 1 ngày, bố mẹ có cho cháu đi chơi bằng xe máy đến khoảng 21h mới về. Thời tiết hôm đó đang chuyển mùa nên buổi tối có gió và se lạnh. Do chủ quan nên mẹ cháu không mang theo mũ, áo giữ ấm cho bé.
Trước đó cháu bé không bị ngã hay có chấn thương gì, cháu vẫn chơi đùa, ăn ngủ bình thường. Sáng sớm hôm sau, người nhà phát hiện cháu bị méo miệng khi cười hoặc khóc. Trong lúc ăn cháo, uống sữa thì thấy nước cháo, sữa chảy bên mép miệng bên trái, khi ngủ thấy mắt bên trái của cháu nhắm không kín. Cháu khó chịu, quấy khóc hơn mọi ngày nên gia đình đã đưa cháu đến khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận cháu bị Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên và chuyển vào điều trị tại Trung tâm y học cô truyền – Phục hồi chức năng.
Cháu T.G.H được điều trị liệt dây thần kinh số VII kết hợp bằng các phương pháp: Châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, hồng ngoại,…
Tuy nhiên, người bệnh H mới được 24 tháng tuổi nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp của cháu với cán bộ y tế còn hạn chế. Cán bộ không thể hướng dẫn các bài tập cho cháu, các phương pháp điều trị thực hiện trên cơ thể rất khó vì cháu không hợp tác.
Sau 3 tuần điều trị tại Trung tâm, cháu tiến triển tốt, ăn uống tốt, mặt được cải thiện nhiều, ăn uống không rơi, mắt nhắm kín, miệng hết lệch, các hoạt động bình thường và đã được xuất viện.
Ngoài cháu T.G.H, trong thời gian vừa qua, khi thời tiết giao mùa chuyển lạnh, Trung tâm YDCT – PHCN cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên vào nhập viện điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo với các bậc phụ huynh có con nhỏ, vào mùa thu đông cần chú ý để phòng tránh liệt dây thần kinh số VII:
– Giữ ấm đầu, mặt, cổ cho trẻ.
– Khi trời rét tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt trẻ.
– Vào mùa nóng khi ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt.
– Vào buổi tối hoặc ban đêm, không nên để trẻ ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa.
– Khi trời lạnh, nên hạn chế cho trẻ nhỏ ra ngoài vào buổi tối, nếu ra ngoài cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.
– Khi cho trẻ đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.
– Khi tắm cho trẻ cần chú ý: Nên tắm cho trẻ sớm, tắm, rửa mặt, đánh răng bằng nước ấm. Khi giao mùa, nhiệt độ sẽ có sự chênh lệch trong ngày, hoặc giữa các ngày với nhau. Do đó, cha mẹ cần chọn đúng thời điểm để tắm cho trẻ. Cha mẹ có thể chọn tắm cho trẻ vào một trong hai khoảng thời gian từ 9h30– 10h30 buổi sáng, hoặc buổi chiều từ 13h – 16h. Đối với trẻ lớn hơn, buổi sáng bố mẹ thường bận bịu và các bé chuẩn bị đi học nên thường tắm buổi chiều sau khi đi học về nhưng cũng không muộn sau 18h.
Cha mẹ tuyệt đối không nên tắm cho trẻ vào buổi trưa khoảng 11h – 13h, hay vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn vì có thể làm trẻ dễ bị cảm lạnh, ốm sốt… Đồng thời chú ý thời gian tắm gội cho bé chỉ khoảng 5-10 phút với trẻ lớn, và không quá 2 – 3 phút (với trẻ sơ sinh kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc ra khỏi chậu).
Trúc Chi (t/h)