Nhiều người bị tai nạn máy cắt cụt tay, mất ngón
Theo Người Lao Động Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Tây Ninh liên tục tiếp nhận cấp cứu nhiều ca bất cẩn tai nạn lao động đứt lìa chi nguy kịch.
Cụ thể mới nhất là 2 nạn nhân bị đứt lìa ngón tay do tai nạn từ máy cắt nước đá, gồm: Anh T. (33 tuổi, bị cắt cụt ngón IV, V tay trái) và anh E. (19 tuổi, bị cắt cụt ngón II, III tay phải kèm gãy hở nát đốt giữa ngón IV tay phải, chảy nhiều máu).
Trước đó vài ngày là 2 trường hợp khác bị đứt lìa ngón tay và đứt lìa cẳng tay do tai nạn từ máy dập. Trong đó, người nặng nhất là chị T. (26 tuổi), bị cắt cụt cổ tay trái và các ngón III, IV tay trái.
Với kỹ thuật vi phẫu, kính hiển vi có độ phóng đại nhiều lần cùng với các trang thiết bị chuyên dụng, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu, nối lại thành công các phần chi thể đứt rời cho các bệnh nhân.
BSCKI Triệu Quốc Ngọc, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á Tây Ninh, khuyến cáo sự thành công trong việc nối chi thể đứt lìa không chỉ phụ thuộc trang thiết bị chuyên dụng và đội ngũ phẫu thuật viên vi phẫu chuyên nghiệp.
Điều quan trọng nhất là khi xảy ra tai nạn, phần đứt lìa cần phải được bảo quản đúng cách và nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được xử lý và can thiệp kịp thời.
Hà Nội triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học
Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn, triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của hơn 1.500 cán bộ, giáo viên toàn ngành.
Nội dung này nhằm thực hiện kế hoạch của Bộ GD&ĐT về việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Hà Nội là một trong số các địa phương được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học làm cơ sở để triển khai đại trà ở cấp phổ thông trên cả nước trong thời gian tới.
Theo báo cáo của các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các trường tiểu học cho biết, thời điểm này các điều kiện triển khai học bạ số đã sẵn sàng.
100% các trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo.
100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số.
100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành.
Tới ngày 20/4/2024, đã có 60% số giáo viên, nhân viên ở các trường tiểu học đã được trang bị chữ ký số cá nhân.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác triển khai học bạ số của ngành; phối hợp với đơn vị vận hành cơ sở dữ liệu ngành nâng cấp chức năng ký số trên học bạ điện tử.
Và theo kế hoạch, việc thí điểm học bạ số được áp dụng với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 năm học 2023-2024 tại 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Về ý kiến của đại diện cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội có chung đề xuất Bộ GD&ĐT tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận xã hội về việc triển khai học bạ số, đồng thời tổ chức tập huấn cho giáo viên từng cấp học, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm.
Nhiều ca tử vong vì bệnh dại do không chích ngừa vắc-xin
Theo Công an Tp.HCM từ đầu năm 2024 đến nay, thực tế ghi nhận tại Bình Thuận liên tiếp có các ca tử vong vì bệnh dại.
Cụ thể trong tháng 2, có hai ca tử vong vì bị chó dại cắn, trong đó có một bé gái 4 tuổi ngụ thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân và một ca ở phường Phước Hội, thị xã La Gi, Bình Thuận.
Trong tháng 3, tại huyện Hàm Thuận Nam có hai phụ nữ vừa qua tuổi 30, được ghi nhận tử vong do bị chó cắn.
Ngày 20/4 cũng tại thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, một phụ nữ 54 tuổi tử vong vì bị chó cắn không chích phòng dại. Và mới đây, ngày 23/4 tại phường Phước Hội, thị xã La Gi một người đàn ông 30 tuổi tử vong nghi do bệnh dại.
Những trường tử vong trên là do khi bị chó cắn đã chủ quan không đi chích vaccin phòng bệnh dại.
Trước thực trạng ghi nhận bệnh dại liên tục trên chó hiện nay, cần thực hiện tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng, chống bệnh dại trên người, tư vấn người dân sau khi bị chó mèo cắn cần phải tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại.
Chó dại cắn người truyền virus dại thông qua nước bọt, đi vào vết thương, nhân lên tại chỗ và ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, làm rối loạn chức năng của các tế bào thần kinh, gây viêm não, tổn thương thần kinh và có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài nguy cơ gây tử vong với tỉ lệ 100% khi phát bệnh, người bị chó dại cắn cũng đối diện với các tình trạng tổn thương vật lý nghiêm trọng như rách cơ, gân, mạch máu và mô xung quanh…, gây ra cảm giác nhức nhói, đau đớn và khó chịu.
Trúc Chi (t/h)