Chân dung hai nam sinh dũng cảm cứu em nhỏ đuối nước
Thông tin trên báo Tiền Phong, sáng 26/9, ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa tuyên dương và báo cáo lên cấp trên để khen thưởng 2 học sinh lớp 7 có hành động dũng cảm cứu người.
Trước đó, vào chiều 30/8, trong lúc chơi đùa tại âu thuyền xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, 2 em Trần Đình N. A (8 tuổi) và Nguyễn Bảo B. (6 tuổi) không may sẩy chân rơi xuống nước.
Phát hiện 2 em nhỏ đang chới với dưới nước sâu, em Nguyễn Phúc Sinh (lớp 7C) và Nguyễn Hoàng Phong (lớp 7E, Trường THCS Thạch Kim) chạy tới tiếp cận, cứu hai em nhỏ lên bờ.
Sau sự việc, gia đình 2 em nhỏ đã đến trường THCS Thạch Kim, có đơn đề nghị khen thưởng và lan tỏa việc làm tốt đẹp của hai học sinh.
Nắm bắt được thông tin, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà cho biết, đơn vị đã làm tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà tặng giấy khen cho hai em Nguyễn Phúc Sinh và Nguyễn Hoàng Phong vì hành động dũng cảm cứu người gặp nạn.
Thương tâm trẻ tử vong sau khi bị ong đốt hơn 100 nốt
Theo báo Giáo Dục & Thời Đại, ngày 25/9, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, đã có 3 trường hợp trẻ được chuyển đến đơn vị này trong tình trạng nguy kịch vì ong đốt. Trong đó, một bé trai 10 tuổi cần hỗ trợ ECMO (tim phổi nhân tạo) và lọc máu do suy đa tạng.
Bé trai B.L (10 tuổi, Hải Dương) bị ong vò vẽ đốt trên đường đi học. Trẻ có hơn 100 nốt đốt rải rác khắp cơ thể. Ngay sau đó, bé được gia đình đưa đến cơ sở y tế và xử trí truyền dịch, dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng. Trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Đanbgs tiếc vào giờ thứ 5 sau khi bị đốt, trẻ vào Khoa Điều trị tích cực nội khoa trong tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu tiến triển nhanh chóng.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ chức năng cơ quan cho bệnh nhi với các biện pháp như: Thở máy, lọc máu liên tục và lọc máu hấp phụ độc chất. Tuy nhiên, tình trạng suy đa tạng tiếp tục diễn biến xấu, suy tuần hoàn nặng hơn, cần duy trì thêm nhiều thuốc trợ tim, vận mạch.
Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ các chức năng các cơ quan, nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhi. Mặc dù đã được điều trị tích cực, nhưng sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhi không cải thiện. Trẻ tử vong trong bệnh cảnh suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị.
Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Tai nạn do ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ, đặc biệt là các cháu sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc (ong mật), nhưng cũng có loại gây tử vong chỉ với 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày), ong bầu”.
Chuyên gia khuyến cáo, trường hợp trẻ có nhiều vết đốt, bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ, kèm theo phù nề lan nhanh hoặc có sốt, mệt mỏi, khó thở, có dấu hiệu dị ứng, mẩn ngứa hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt…, cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Không nên trì hoãn để thực hiện các bước sơ cứu tại nhà.
Bệnh đậu mùa khỉ, những điều cần biết để phòng tránh
Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, TS.BS Ngô Thanh Hà, Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, y văn ghi lại, bệnh còn có thể lây nhiễm qua đường máu, tiếp xúc với bề mặt chứa virus gây bệnh.
Bên cạnh đó, TS.BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Tất cả các lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh này. Trước đây, chỉ có một tỉ lệ nhất định những người lớn tuổi đã được tiêm chủng đậu mùa, thì những người này không nhiễm hoặc nhiễm nhưng rất là nhẹ đối với đậu mùa khỉ. Với những người trẻ hơn, chưa được tiêm vaccine là những đối tượng có nguy cơ cao hơn”.
Trong những năm gần đây, tỉ lệ tử vong giảm xuống, chỉ khoảng 3-6%. Tuy nhiên, tỉ lệ này cũng vẫn là con số nguy hại.
“Bệnh có rất nhiều biến chứng, biến chứng phổi, não, da, thần kinh… Với biến chứng như vậy, nhóm càng nhỏ thì nguy cơ tử vong càng cao. Những nhóm tình trạng miễn dịch kém cũng là nhóm hết sức nguy cơ”, bác sĩ Thái nhấn mạnh.
Theo TS.BS Ngô Thanh Hà, đậu mùa khỉ là căn bệnh nhiễm virus, vì vậy dấu hiệu đầu tiên là triệu chứng giả cúm từ 1-3 ngày đầu mắc bệnh, bệnh nhân sẽ xuất hiện sốt, đau mỏi cơ, kèm theo mệt mỏi, chán ăn.
Sau ngày thứ 3 trở đi, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban trên cơ thể, đầu tiên là trên mặt, sau đó xuống toàn thân, tay chân. Ban thì có dạng phỏng nước, nốt ban này sẽ gây tổn thương qua tế bào sinh sản ở da. Sau khi ban bay đi thường để lại sẹo trên cơ thể.
Cũng theo TS Hà: “Đậu mùa khỉ là nhóm virus tương đồng với bệnh đậu mùa ở người. Theo nghiên cứu trên thế giới, vaccine đậu mùa vẫn có hiệu quả đối với đậu mùa khỉ”.
TS Trần Văn Giang, Phó viện Trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từng chia sẻ, việc nâng cao cảnh giác và giúp người dân có sự hiểu biết về bệnh đậu mùa khỉ rất quan trọng, tuy nhiên người dân không nên hoang mang. Bởi càng hoang mang thì việc phòng bệnh càng trở nên khó khăn, phức tạp.
“Người dân nên bình tĩnh, khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thì nên tự cách ly và thông báo đến cơ sở y tế gần nhất để nhận được hướng dẫn và can thiệp kịp thời. Người dân không nên tự tìm hiểu thông tin, tự mua thuốc, tự làm xét nghiệm… lan truyền những thông tin không tích cực ảnh hưởng đến việc phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng”, TS Giang khuyến cáo.
Những dấu hiệu của đậu mùa khỉ đặc trưng nhất là: phát ban phỏng nước kèm theo là sốt, đau đầu, sưng hạch ngoại vi. Các trường hợp có yếu tố dịch tễ, kèm theo các dấu hiệu: sốt, đau đầu, sưng hạch ngoại vi, phát ban dạng phỏng nước, nghi ngờ của đậu mùa khỉ đó là những trường hợp phải theo dõi.
Đa phần những trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ đều ở thể nhẹ và tự khỏi, chỉ cần điều trị hỗ trợ về mặt triệu chứng như: sốt, tăng dinh dưỡng, cân bằng điện giải, vitamin… Những trường hợp mắc bệnh ở thể nặng có viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, hoặc ở những cơ địa suy giảm miễn dịch, cơ địa có thể tiến triển bệnh nặng… tiến hành điều trị thuốc theo đúng hướng dẫn của WHO để giảm thiểu nguy cơ tiến triển bệnh nặng, hạn chế tối đa tỉ lệ tử vong, dù tỉ lệ tử vong trong bệnh đậu mùa khỉ hiện nay tương đối thấp.
Trúc Chi (t/h)