Nhiều địa phương xem xét miễn, tạm dừng thu học phí
Bão số 3 Yagi đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại tỉnh Yên Bái. Theo thống kê của UBND tỉnh, đến ngày 19/9, Yên Bái ước thiệt hại 4.765 tỷ đồng do bão số 3. Thiên tai đã làm 54 người chết và mất tích; thiệt hại 25.979 nhà ở; di dời 21.367 hộ dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cho các hộ dân bị ngập lụt và sạt lở đất...
Để giảm bớt khó khăn cho học sinh và phụ huynh do ảnh hưởng của bão số 3, UBND tỉnh Yên Bái đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết miễn 100% học phí năm học 2024-2025 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và học viên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Cuộc họp HĐND tỉnh dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30/9 tới đây.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai bị thiệt hại gần 502 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng thiệt hại của 18 tỉnh khu vực phía Bắc. Để giảm bớt khó khăn cho học sinh và cha mẹ học sinh do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), trong thời gian chờ ban hành chính sách này, trước mắt Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai thông báo cho các cơ sở giáo dục tạm thời chưa thu học phí từ tháng 9 đến hết tháng 11 đối với các đối tượng nêu trên, theo Tri Thức và Cuộc sống.
Không chỉ có Lào Cai, Yên Bái mà nhiều địa phương trên cả nước cũng đã có chính sách miễn, giãn thu học phí. Trước đó, Quảng Ninh miễn 100% học phí cho học sinh các cấp, Quảng Nam dành 158 tỷ đồng miễn giảm học phí cho học sinh trong 2 năm học (2024-2025 và 2025-2026), trong khi Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nội... yêu cầu không thu gộp nhiều khoản trong một thời điểm, Thanh Hoá đang xem xét hỗ trợ học phí cho học sinh vùng lũ... nhằm giúp phụ huynh, học sinh giảm bớt gánh nặng tài chính, tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3, bão số 4...
Địa phương quyết liệt chống lạm thu đầu năm học
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.HCM, trong các khoản thu đầu năm học không có "quỹ lớp", "quỹ trường", chỉ có kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM chia sẻ với báo Tin Tức, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phải quán triệt thật nghiêm nội dung này, không thực hiện thu quỹ trường từ phụ huynh học sinh; yêu cầu các lớp trong trường mình không thực hiện thu quỹ lớp của phụ huynh đầu năm học.
Việc tổ chức kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường cần thực hiện nghiêm theo Thông tư số 55 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Sở GD&ĐT nghiêm cấm việc các trường lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ: Không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa ban hành văn bản gửi Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố về thực hiện các khoản thu trong cơ sở giáo dục năm học 2024 - 2025. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý thu, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức tại các cơ sở giáo dục trong năm học 2024 - 2025.
Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu nêu rõ: Đối với các khoản quỹ như: quỹ đoàn, quỹ đội, quỹ khuyến học...(nếu có) thủ trưởng các cơ sở giáo dục công lập chỉ đạo thực hiện thực hiện thu, chi và quản lý, sử dụng đúng quy định.
Hà Nội: Giá BĐS xung quanh nhà ga metro tăng tới 40%
Tuyến metro không chỉ nâng cao giá trị BĐS dọc lộ trình mà còn cải thiện đời sống xã hội, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, và chi phí đi lại cho người dân Hà Nội.
Hiện tại, Hà Nội có 2 tuyến metro đã đi vào hoạt động. Thứ nhất là tuyến metro số 2A, ga Cát Linh - ga Yên Nghĩa đi vào hoạt động từ tháng 11/2021 và tuyến metro số 3 (Giai đoạn 1), ga Nhổn - ga Hà Nội, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy và ngược lại được đưa vào khai thác từ đầu tháng 8/2024.
Đến năm 2045, thành phố sẽ hoàn tất 200 km tuyến metro của các tuyến điều chỉnh và bổ sung theo Quy hoạch chung được phê duyệt.
Tại Hà Nội, giá trung bình các căn hộ tại quận Cầu Giấy cho các phân khúc trong bán kính 500m so với các nhà ga tuyến metro Cầu Giấy - Nhổn tăng trên 40% trong vòng 1 năm từ quý III/2023 so với quý III/2024.
Trúc Chi (t/h)