Quảng Nam: Nhóm học sinh rủ nhau tắm biển, 1 em đuối nước tử vong
Tối 27/6, lãnh đạo UBND xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm.
Theo thông tin ban đầu trên Infonet, khoảng 15h cùng ngày, một nhóm 6 em học sinh ở xã Bình Quý (huyện Thăng Bình) xuống tắm ở bãi biển Bình Minh. Thời điểm này sóng biển êm, gió nhẹ.
Đến khoảng 15h45, đội cứu hộ nhận tín hiệu kêu cứu từ 2 em học sinh bị đuối nước và nhóm bạn đi cùng.
Ngay lập tức, đội cứu hộ đã tiếp cận, đưa em Trương Minh Tuấn (14 tuổi) lên bờ sơ cứu. Sau đó, Tuấn được đưa đến Bệnh viện Thăng Hoa (huyện Thăng Bình) cấp cứu, sức khoẻ đã ổn định.
Còn em Lê Đình Nhật Kh. (14 tuổi) không may bị trôi đến khu vực nước đục. Lực lượng chức năng cùng người dân tìm kiếm, vớt được Kha sau khoảng 15 phút nên không qua khỏi.
Hà Nội: Hơn 800 nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công tác
Thông tin trên VTC, báo cáo của UBND Tp. Hà Nội dẫn số liệu cho biết, từ năm 2021 đến 30/4/2022, có 857 người làm trong lĩnh vực Y tế nghỉ việc, xin chuyển công tác.
Tp.Hà Nội dẫn báo cáo của ngành y tế, trong năm 2021 có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác. Còn tính từ tháng 1 đến 4/2022, toàn ngành y tế Thủ đô có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.
Tổng cộng, từ đầu năm 2021 đến ngày 30/4 năm nay, Hà Nội có gần 857 cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển công tác.
Lý giải cho việc hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc, theo UBND Tp.Hà Nội hiện số lượng nhân viên y tế của Hà Nội còn thiếu. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành.
UBND Tp.Hà Nội đánh giá trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại hoặc xuất hiện chủng virus Covid-19 mới có khả năng lây lan, nguy hiểm thì thảm họa xảy ra rất khó lường.
Theo UBND Tp.Hà Nội, nếu không có chế độ hỗ trợ các y, bác sĩ và nhân viên y tế của Tp. Hà Nội kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.
Việt Nam ghi nhận biến chủng BA.5 của Omicron
Chiều 27/6, tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin y tế, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết thời gian qua, hệ thống giám sát trọng điểm của Việt Nam, nhất là các viện, bệnh viện, Cục thường xuyên lấy mẫu, giải trình tự gene. Hiện, Việt Nam đã có sự xâm nhập chủng BA.5 của Omicron.
Theo GS Nguyễn Trọng Lân, đây là điều tất yếu khi người dân giao lưu, đi lại trong bối cảnh bình thường mới. "Khi xâm nhập chủng mới thì các nguy cơ chủng này có thể lấn lướt chủng cũ như BA.1, BA.2", VOV dẫn lời ông Lân nói.
GS Lân khẳng định Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện các biến chủng mới, từ đó triển khai các biện pháp phòng chống dịch an toàn, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp.
Cũng theo GS Phan Trọng Lân, qua một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu, biến chủng BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2. “Về khả năng gây bệnh nặng của biến chủng mới này, y học thế giới hiện chưa có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chưa được công bố cũng cho thấy chúng gây biểu hiện bệnh nặng hơn. Để có được bức tranh tổng thể, đầy đủ hơn về biến chủng này, vẫn cần có những nghiên cứu bài bản hơn", GS Lân cho hay.
Minh Hoa (t/h)