Tp.HCM dừng tuyển lớp 10 không chuyên tại 2 trường
Thông tin từ Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, việc tuyển sinh lớp 10 không chuyên trong trường chuyên chỉ được thực hiện hết năm học 2023-2024. Từ năm học 2024-2025 sẽ không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Vì vậy, từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Tp.HCM năm học 2024-2025, Tp.HCM sẽ dừng tuyển sinh lớp 10 không chuyên vào các trường Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1).Cũng theo Sở GD&ĐT Tp.HCM, việc dừng tuyển sinh lớp 10 không chuyên trong các trường chuyên được thực hiện theo thông tư 05/2023 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.
Theo đó, điều 8 của thông tư này quy định các trường THPT chuyên không được tổ chức lớp không chuyên.
Sở GD&ĐT Tp.HCM thông tin điều này với lưu ý học sinh lớp 9 năm học 2023-2024 có định hướng phù hợp trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào các trường chuyên năm học tới.
Được biết, năm học 2023-2024, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tuyển 180 chỉ tiêu lớp 10 không chuyên; Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển 90 chỉ tiêu lớp 10 không chuyên.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Tp.HCM năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 6/2024, với 3 môn thi là văn, toán và ngoại ngữ.
Riêng học sinh thi vào lớp 10 chuyên, tích hợp sẽ dự thi thêm môn chuyên và tích hợp. Việc dừng tuyển sinh lớp 10 không chuyên trong trường chuyên là một trong những điểm mới nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Tp.HCM năm 2024, thông tin trên Giáo dục và Thời đại.
Hy hữu bé trai 9 tuổi chưa biết đi, bác sĩ phát hiện mắc bệnh hiếm gặp
Theo Pháp luật Việt Nam, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mới tiếp nhận điều trị một bệnh nhi 9 tuổi với chẩn đoán nhiễm toan ống thận hiếm gặp.
Cụ thể, bệnh nhi là cháu C.T.K, 9 tuổi, người dân tộc Thái. Ngay từ nhỏ, K đã có thân hình bé nhỏ, 2 tuổi mới bắt đầu vịn để đứng dậy nhưng đi lại khó khăn. Do gia đình không có điều kiện nên mãi đến năm 7 tuổi, K mới được đưa đi khám và được chẩn đoán suy dinh dưỡng. Trẻ được kê thuốc bổ và hướng dẫn tập phục hồi chức năng nhưng không khám lại.
Khoảng 1 năm nay K xuất hiện nhiều đợt yếu cơ, mệt mỏi. Ngày 28/9, K lại kêu mệt, yếu cơ không ngồi dậy được nên phải nhập viện. Tại bệnh viện, K được nhận định suy dinh dưỡng nặng, 9 tuổi nhưng chỉ nặng 12kg, chiều cao chỉ đạt 90 cm (tương đương với chiều cao của trẻ 4 tuổi).
Qua đánh giá sơ bộ, bác sĩ nhận thấy bé có suy dinh dưỡng tuy nhiên thực tế trẻ ăn khá tốt, đồng thời khi kiểm tra hệ thống tiêu hóa của trẻ không có vấn đề gì nên có thể loại trừ nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng do nuôi dưỡng và kém hấp thu.
Khi tiến hành xét nghiệm máu, kết quả cho thấy bé có tình trạng giảm kali máu nặng, đây chính là lí do khiến K yếu cơ không ngồi được. Các bác sĩ nhận định tình trạng hạ kali máu có thể liên quan đến bệnh lí ống thận nên đã làm một số xét nghiệm bổ sung và K đã được chẩn đoán nhiễm toan ống thận. Đây là tình trạng rối loạn chức năng hấp thu và thải trừ các chất qua ống thận dẫn đến mất Kali máu, ứ axit lại trong máu.
Sau khi được bù kali và muối bicarbonat tình trạng yếu cơ cải thiện nhưng K vẫn không thể đứng vững và đi lại được. Kết quả chụp xương cho thấy toàn bộ hệ thống xương bị loạn dưỡng, vỏ xương mỏng, khiến K bị gãy xương tái phát nhiều lần. Siêu âm bụng cũng cho thấy hiện tượng sỏi thận nhỏ 2 bên.
Bác sĩ đánh giá tình trạng này là hậu quả của rối loạn chức năng ống thận, dẫn đến mất nhiều chất khoáng như Calci, phospho qua ống thận.
Cũng theo bác sĩ, nhiễm toan ống thận là bệnh lý có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải ở trẻ. Khi trẻ còn bú mẹ mắc bệnh lý này sẽ có các biểu hiện như chậm phát triển thể chất, nôn hoặc mất nước, nhiễm khuẩn tiết niệu, suy tuần hoàn. Đối với trẻ nhỏ, các dấu hiệu của bệnh bao gồm: thấp bé hoặc chậm tăng cân, uống nước nhiều và đi tiểu nhiều, còi xương, chậm vận động, biến dạng xương chi, bướu trán hoặc sỏi thận.
Nhiễm toan ống thận nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm toan nặng gây suy hô hấp, rối loạn Kali máu, thậm chí có thể gây liệt hoặc ngừng tim, về lâu dài gây vôi hóa thận, sỏi thận, còi xương, loãng xương, tăng Calci niệu, suy thận mạn.
Qua đây bác sĩ khuyến cáo, trong quá trình chăm sóc con, phụ huynh cần theo dõi cân nặng, chiều cao, sự phát triển vận động, tinh thần của trẻ, so sánh với biểu đồ tăng trưởng và các mốc phát triển theo tuổi. Nếu có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện bệnh lý và điều trị kịp thời. Trẻ chậm tăng trưởng có thể do nhiều nguyên nhân, do đó cần cho trẻ khám chuyên khoa nhi tổng quát kết hợp với khám dinh dưỡng để tránh bỏ sót các bệnh lý nền.
Lào Cai: Xe trộn bê tông rơi xuống vực sâu hơn 50m
Theo VOV, lực lượng chức năng tại Lào Cai đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân một chiếc xe trộn bê tông bị rơi xuống vực sâu hơn 50m tại xã Bản Vược, huyện Bát Xát.
Thông tin ban đầu cho thấy, vụ việc xảy ra vào trưa ngày 27/11. Khi đó, xe trộn bê tông biển kiểm soát 24C – 067.XX do tài xế Nguyễn Hồng H. (sinh năm 2000, trú thôn An Thành, xã Quang Kim, huyện Bát Xát) điều khiển, chở theo anh Phạm Ngọc T. (sinh năm 1985, trú tại thôn Nậm Chủ, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) di chuyển trên tỉnh lộ 156 theo hướng từ xã Mường Vi đến xã Bản Vược (Bát Xát). Tới Km43+200, xe bất ngờ mất lái lao xuống vực.
Hậu quả, anh Phạm Ngọc T. bị thương; xe trộn bê tông bị hỏng nặng.
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân dùng cáng đưa người bị thương từ dưới vực lên mặt đường rồi chở đi cấp cứu.
Trong ngày 28/11, lực lượng chức năng đã huy động phương tiện, máy móc tiến hành kéo xe bê tông lên. Nguyên nhân vụ việc hiện đang tiếp tục được làm rõ.
Trúc Chi (t/h)