Ôtô húc mạnh đuôi xe tải, tài xế mắc kẹt trong cabin
Theo VietNamNet, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 13h ngày 28/11 tại km 71+100 quốc lộ 18, đoạn Thượng Thông, Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Vào thời điểm trên, ô tô BKS 30E-808.56 do ông L.Đ.T. (SN 1950, trú TP Hạ Long) điều khiển đi hướng thị xã Đông Triều về Tp.Uông Bí đã đâm mạnh vào phía sau xe tải BKS 14C-221.52, do anh H.V.V. (SN 1971, trú tỉnh Bắc Giang) điều khiển đang đỗ bên phải đường.
Cú húc khiến đầu xe nát bét, 4 người trên ô tô con đều bị thương, trong đó một người ngồi ghế phụ bị thương rất nặng. Ông T. lái xe ô tô con bị kẹt trong cabin phải nhờ người dân hỗ trợ trong hơn 30 phút mới thoát ra ngoài.
Đội CSGT số 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời có mặt, đưa các nạn nhân đi BV Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí cấp cứu. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
Dân số Việt Nam dự kiến cán mốc 100 triệu vào năm 2023
Dân số Việt Nam hiện ở mức hơn 99 triệu, theo dự báo, nước ta sẽ đón chào công dân thứ 100 triệu vào năm 2023.
Theo báo Lao Động, thông tin trên do TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, cho biết tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại Việt Nam diễn ra ngày 28/11. Với quy mô hơn 99 triệu người, Việt Nam có tổng số dân đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. “Quy mô dân số lớn mang đến nhiều lợi thế nhưng cũng nhiều thách thức cho sự phát triển kinh tế xã hội”, ông nhận định.
Công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời ngày 1/11/2013. Từ đó đến nay, mỗi năm dân số nước ta tăng lên trung bình một triệu người.
Trong hơn một thập kỷ qua, nước ta đã duy trì mức sinh thay thế, trung bình mỗi bà mẹ có khoảng 2 con. Hiện số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 của nước ta là gần 25 triệu, tiếp tục tăng lên 26 triệu người vào năm 2030.
Điều này kéo theo nhu cầu KHHGĐ tăng lên với các yêu cầu phong phú đa dạng về phương tiện, biện pháp và nâng cao về chất lượng. Trong khi đó, việc cung cấp dịch vụ này chưa đồng đều ở các vùng miền.
Ngoài ra, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, KHHGĐ và an toàn tình dục cho vị thành niên/thanh niên được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực trong bối cảnh hiện tại.
Hiện nước ta có hơn 14 triệu người thuộc nhóm dân số vị thành niên/thanh niên (10-19 tuổi), chiếm 14,4% tổng dân số. Trong đó, nữ giới là 48,3% tổng vị thành niên/thanh niên. Riêng nhóm tuổi từ 15-19 là 6,6 triệu người, chiếm 6,8% tổng dân số cả nước.
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra các chỉ tiêu tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, giảm số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn và “hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ”. Đây cũng là một nhiệm vụ rất khó khăn mà hiện nay Tổng cục Dân số đang nỗ lực, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để thực hiện.
Tp.HCM giám sát các trường hợp nhiễm virus cúm A trên người và gia cầm
Zing đưa tin, để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, UBND Tp.HCM yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với ngành y tế giám sát các trường hợp nhiễm virus cúm A trên người và gia cầm.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn được giao giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, nhất là khu vực giáp ranh giữa Tp.HCM với các tỉnh. Phối hợp với UBND Tp. Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm,...
Bên cạnh đó, đơn vị cần triển khai kế hoạch lấy mẫu đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh tại các địa bàn có nguy cơ cao. Điều tra dịch tễ, kịp thời cảnh báo và phối hợp chính quyền địa phương xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với virus cúm gia cầm.
Tổ chức thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật, thực hiện công tác tiêu độc sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào thành phố, thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ.
Triển khai tháng tiêu độc khử trùng trên địa bàn ngày 1-31/12. Phối hợp với ngành y tế giám sát các trường hợp nhiễm virus cúm A trên người và đàn gia cầm nhằm cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Công an TP.HCM được giao xử lý các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xử lý các điểm kinh doanh, giết mổ không đúng quy định
Ban An toàn thực phẩm được yêu cầu chỉ đạo ban quản lý các chợ chủ động xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc và chỉ đạo đoàn liên ngành phòng, chống dịch bệnh quận, huyện xử lý nghiêm các trường hợp chăn nuôi (nhất là chăn nuôi gà đá), vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Minh Hoa (t/h)