Điểm chuẩn các trường đào tạo y dược năm 2023 sẽ biến động như thế nào?
Theo số liệu trên Nhà báo & Công luận, cả nước hiện có 29 trường tuyển sinh ngành Y khoa, trong đó Đại học Văn Lang (Tp.Hồ Chí Minh) lần đầu xét tuyển ngành này.
Các trường đã công bố xong điểm sàn xét tuyển, mức điểm sàn xét tuyển đa số căn cứ vào điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Cụ thể, điểm sàn xét tuyển của khối y dược cao nhất là ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt với 22,5 điểm (mức này cao hơn mức sàn hai năm qua 0,5 điểm); ngành hộ sinh; kỹ thuật phục hình răng; kỹ thuật xét nghiệm y học; Kỹ thuật hình ảnh y học; Kỹ thuật phục hồi chức năng; Điều dưỡng; Y học dự phòng là 19 điểm. Điểm sàn ngành Y học cổ truyền và Dược học là 21 điểm.
Mặc dù điểm sàn không quá cao nhưng thông thường điểm chuẩn trúng tuyển sẽ có sự chênh lệch lớn ở các trường top đầu. Sau đây là một vài thống kê về điểm chuẩn các trường Y khoa năm 2022 để các thí sinh tham khảo trước khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường y dược.
Theo đó, Đại học Y Hà Nội điểm chuẩn năm 2022 là 28,15; Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội 27,3; Trường đại học Y Dược Cổ truyền Việt Nam lấy 25,55 điểm; Trường Y Dược Thái Bình có điểm chuẩn 26,3; Trường Y Dược Hải Phòng lấy 27 điểm;
Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương có điểm chuẩn 25,4; Trường Y Dược Huế lấy 26,4; Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh 27,55 điểm; Trường Y Khoa Phạm Ngọc Thạch lấy 26,35 điểm;
Các trường y dược ngoài công lập lấy điểm chuẩn 22 đến 23 điểm.
Như vậy có thể thấy, với những trường có thương hiệu thì điểm chuẩn rất cao, trên 26 điểm, còn các trường ngoài công lập có mức điểm sàn trung bình 22 điểm.
Theo dự báo của các chuyên gia, căn cứ điểm thi tốt nghiệp thì điểm chuẩn khối ngành tuyển sinh có các môn tự nhiên trong đó có khối A00, B00 sẽ có điểm chuẩn hạ 0,5 đến 1 điểm.
Mùa tuyển sinh năm nay, một số trường còn xét tiêu chí phụ, đưa môn Ngữ Văn vào tiêu chí xét tuyển vì thế điểm chuẩn cũng sẽ có những biến động. Nhưng nhìn chung, để vào được các trường top như Đại học Y Hà Nội, đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thì mức điểm chuẩn cũng trên 27 điểm.
Xe chở xăng bốc cháy làm đứt dây điện, một người tử vong
Thông tin ban đầu trên VTC News, vụ việc xảy ra khoảng 6h30 sáng 28/7, xe tải biển số Khánh Hòa chở một số thùng phuy xăng dầu, khi tới địa bàn xã Vạn Phước (Vạn Ninh, Khánh Hòa) thì bất ngờ xảy ra hỏa hoạn.
Lúc này, tài xế đã lập tức cho xe chạy vào một bãi đất trống bên cạnh Quốc lộ 1, rồi nhanh chóng bung cửa thoát ra ngoài nhưng bị bỏng.
Do xe chở những thùng phuy chứa xăng dầu nên đám cháy bốc cháy dữ dội. Chỉ trong ít phút ngọn lửa đã bao trùm chiếc xe tải đã khiến dây điện trung thế bên trên bị đứt, rơi vắt ngang Quốc lộ 1.
Phát hiện sự việc, ông Nguyễn Hữu V. (SN 1964, trú xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) chạy đến đưa dây điện bị đứt ra khỏi Quốc lộ 1 nhưng không may bị điện giật, khiến ông này tử vong tại chỗ.
Hiện, sự việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Suýt mất mạng do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc
Theo báo Pháp luật Việt Nam, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) mới tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ bị viêm gan cấp sau khi sử dụng thuốc nam chữa viêm dạ dày.
Bệnh nhân V.T.C (60 tuổi) xuất hiện tình trạng buồn nôn, nôn, đau tức bụng vùng hạ sườn phải, chán ăn, vàng da tăng dần sau một tháng uống thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh viêm dạ dày.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán xác định tình trạng men gan tăng rất cao so với chỉ số người bình thường. Chỉ số AST là 527 U/L (chỉ số thông thường là 5-40U/L), ALT là 505 U/L (chỉ số thông thường là dưới 50U/L). Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng các thuốc hỗ trợ tế bào gan, truyền dịch tăng thải độc theo phác đồ.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Nội Tiêu hóa của bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngoan – Phó Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa cho biết: “Việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm. Khi vào cơ thể, thuốc được đào thải qua gan và qua thận. Nếu có những thành phần độc hại, thuốc sẽ làm tổn thương gan, thận. Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể gặp các biến chứng như suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn đông máu thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.”
Thực tế cho thấy, thời gian qua có không ít trường hợp bệnh nhân bị suy gan, thận nghiêm trọng do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, chưa được khoa học kiểm chứng. Tuy nhiên, vẫn có những người bệnh tìm mua sử dụng dẫn đến tự “đầu độc” bản thân, khiến các bệnh lý đang mắc phải diễn tiến nặng hơn.
Từ trường hợp này các bác sĩ khuyến cáo người dân khi gặp phải các vấn đề sức khỏe bất thường cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, dùng thuốc theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng các bài thuốc trôi nổi trên thị trường để tránh các hệ lụy đáng tiếc xảy ra đối với sức khỏe.
Trúc Chi (t/h)