Lùi ngày thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Theo kế hoạch, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thu phí từ ngày 1/7, sau 60 ngày vận hành miễn phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án vừa thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang về việc lùi thời gian miễn phí cho các phương tiện qua lại thêm 30 ngày.
Theo Zing, cùng với việc lùi thời gian thu phí, nhà đầu tư đang kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT một số giải pháp cấp bách để khắc phục các vấn đề an toàn được người dân chỉ ra sau 2 tháng vận hành.
"Dự án chưa có làn dừng khẩn cấp, chưa bố trí trạm dừng nghỉ kiểm tra kỹ thuật, cộng với lưu lượng xe quá lớn nên đã xảy ra một số vụ tai nạn làm 2 người chết, một người bị thương", báo cáo của BOT Trung Lương - Mỹ Thuận gửi cơ quan quản lý.
Nhà đầu tư cho biết, lưu lượng xe lưu thông trên cao tốc Tp.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận hiện quá lớn, ở mức 23.000 lượt xe/ngày đêm. Lưu lượng này khiến tuyến đường dù mới khánh thành, đã gần mãn tải bởi quy mô làn đường được tính toán trong bối cảnh cách đây 13 năm.
Đặc biệt, khi Chính phủ đẩy nhanh các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu... khiến phương tiện lưu thông về miền Tây tăng cao, quy mô hiện nay của tuyến Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận không thể đáp ứng.
Từ thực trạng trên, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, có nhiều thách thức cho việc đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Doanh nghiệp BOT kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang và Cục CSGT đánh giá lại tốc độ tối đa cho phép lưu thông trên tuyến (hiện áp dụng tốc độ tối đa là 80 km/h). Đồng thời, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu các vị trí có đủ mặt bằng để đầu tư bổ sung điểm dừng kiểm tra an toàn cho phương tiện, nơi bố trí lực lượng cứu hộ để kịp thời xử lý sự cố...
Về lâu dài, doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm báo cáo Thủ tướng cho triển khai giai đoạn 2 của dự án, mở rộng làn đường để phát huy hiệu quả đầu tư.
Sở Y tế Tp.HCM yêu cầu chuẩn bị kích hoạt lại cơ sở điều trị Covid-19
Tại Hội nghị sơ kết kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra sáng 29/6, Sở Y tế Tp.HCM yêu cầu 10 quận, huyện kích hoạt lại cơ sở y tế điều trị Covid-19.
Vừa qua, Bộ Y tế công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam, khả năng số ca mắc sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết sở đã yêu cầu kích hoạt lại các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn.
Ngành y tế dự báo các quận-huyện: Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, Quận 12, Tân Phú, Nhà Bè, Gò Vấp, Quận 4, Quận 6 và Tp.Thủ Đức là các địa phương có số ca nhiễm tăng cao nếu biến chủng BA.5 xuất hiện, do những nơi này có tỉ lệ tiêm mũi 3, 4 rất thấp.
Ngành y tế yêu cầu các địa phương nói trên chuẩn bị kích hoạt lại các cơ sở thu dung điều trị. Hiện Tp.HCM còn hơn 490.000 liều vắc-xin, tỉ lệ tiêm mũi 3 khá cao nhưng tiêm mũi 4 còn thấp.
Số ca Covid-19 tăng, cả nước thêm 777 F0
Về tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết từ 16h ngày 28/6 đến 16h ngày 29/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 777 ca nhiễm Covid-19, tăng nhẹ so với ngày trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.745.631 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.457 ca nhiễm).
Trong ngày, có 9.387 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.675.359 ca.
Số bệnh nhân đang thở oxy là 49 ca, tăng so với những ngày trước, trong đó thở oxy qua mặt nạ: 36 ca; thở oxy dòng cao HFNC: 6 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 6 ca; ECMO: 0 ca.
Từ 17h30 ngày 28-6 đến 17h30 ngày 29-6 không có ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca.
Minh Hoa (t/h)