Tp.HCM cấm toàn bộ phương tiện qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh
Tối 29/9, Sở GTVT Tp.HCM ra thông báo khẩn về việc điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, Tp.HCM.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT Tp.HCM cho biết hiện các đơn vị chức năng đang làm việc tại hiện trường để tổ chức cấm cầu và phân luồng giao thông.
Theo thông báo, nhằm đảm bảo an toàn giao thông phục vụ sửa chữa công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, kể từ ngày 29/9, cấm xe lưu thông qua cầu vượt này. Văn bản không nêu sẽ cấm đến bao giờ. Việc cấm đột xuất cầu này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lưu thông từ ngày 30/9. Giao thông trên đường Điện Biên Phủ sẽ chịu áp lực lớn bởi dòng phương tiện từ Thủ Đức qua câu Sài Gòn vào trung tâm chỉ còn hướng này là chính.
Theo báo Giao Thông, tại họp báo về tình hình kinh tế xã hội Tp.HCM và công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 29/9, ông Đường cho biết ngày 30/9 mới có thông tin chính thức về nguyên nhân dẫn đến sự cố đứt cáp ngầm cầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Để cấm cầu Nguyễn Hữu Cảnh, Sở GTVT cũng hướng dân lộ trình thay thế.
Theo đó, hướng lưu thông xe ô tô: Cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - quay đầu xe tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương - Điên Biên Phủ - rẽ phải đường dân sinh cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Hữu Cảnh.
Hướng lưu thông xe 2 bánh: Cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - quay đầu xe tại ngã tư Hàng Xanh - Điện Biên Phủ - Hẻm 602 Điện Biên Phủ (đường D1 nối dài) - Nguyễn Hữu Cảnh.
Người điều khiển phương tiện khi lưu thông qua khu vực phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, tuân thủ hệ thống biển báo giao thông trên đường hoặc hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông.
Từ ngày 24/9, Sở GTVT TP.HCM đã thông báo cấm xe tải và ô tô khách trên 16 chỗ qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Đến nay, cấm luôn xe 2 bánh qua cầu.
Trước đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) phát hiện cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt. Cáp dự ứng lực là những bó dây trợ lực, hỗ trợ kết nối các khối bê tông với nhau, sử dụng nhiều trong các công trình xây dựng, giúp giảm tác động từ bên ngoài.
Kết cấu nhịp chính của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có 4 bó cáp dự ứng lực đặt ngầm ở độ sâu 1,8-1,9 m. Trong phạm vi này còn có hệ thống thoát nước ở dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh cắt ngang. Khi đào thăm dò, cơ quan chức năng phát hiện bó cáp dự ứng lực của cầu bị đứt tại nơi giao cắt với cống hộp của hệ thống thoát nước.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông Tp.HCM chủ đầu tư công trình cho biết, giải pháp khắc phục sơ bộ là tại 4 bó cáp dự ứng lực bị đứt sẽ dùng cáp giằng tạm và cáp giằng thay thế.
Đề xuất chi 3.500 tỉ đồng mua sách giáo khoa cho học sinh mượn
Tại hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 29/9, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết thực hiện chủ trương trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn phương án trích 3.500 tỉ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học, đáp ứng 70% nhu cầu. Các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.
Theo ông Thưởng, bộ đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn nghiên cứu, tính toán và đề xuất 3 phương án khác nhau gồm: phương án trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, phương án mua sách cho 70% nhu cầu và phương án chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, sau đó, bộ đã lựa chọn phương án đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học.
Theo Tuổi Trẻ Online, phương án được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Tài chính để trình lên Chính phủ.
Trước đó, Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng và triển khai ngay trong năm học 2022-2023.
Song tại cuộc hội thảo trên, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết không kịp thực hiện trong năm học này, nên sẽ cố gắng để triển khai từ năm học sau.
Số mắc Covid-19 giảm mạnh
Về tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết từ 16h ngày 28/9 đến 16h ngày 29/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 978 ca mắc, giảm 609 ca so với ngày trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.477.886 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.993 ca nhiễm).
Trong ngày, có 1.100 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.590.917 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 106 ca.
Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 1 ca tử vong tại Hải Dương. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.148 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Minh Hoa (t/h)