Phòng chống tác hại rượu bia dịp Tết Nguyên đán
Theo báo Đầu Tư Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ.
Bộ này cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ, ngày hội trong năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ.
Tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội;
Tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Quán triệt, phổ biến và tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương. Xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách địa phương hằng năm để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc lĩnh vực phụ trách. Triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe;
Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người lao động, cho học sinh, sinh viên, đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia và các lĩnh vực liên quan khác.
Đến hẹn lại lên, cứ đến cuối năm là lượng rượu, bia tiêu thụ gia tăng bởi đây là dịp cao điểm của những bữa tiệc liên hoan, hội họp, tổng kết, tất niên... Việc lạm dụng rượu, bia để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc với nhiều trường hợp phải nhập viện, thậm chí có trường hợp tử vong do bị ngộ độc rượu.
Cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm, theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, những ca ngộ độc rượu thông thường (rượu ethanol) tử vong do uống quá nhiều đang có dấu hiệu gia tăng.
Đáng tiếc, hầu hết các trường hợp này đều là thanh niên hoặc đang trong độ tuổi lao động. Hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận 2 - 3 ca nặng.
Bệnh nhân đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi, thậm chí là trẻ vị thành niên mới 14 tuổi. Bệnh nhân đã được đưa vào đây đều là ca nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy, không cấp cứu là chết.
Những trường hợp này do uống quá nhiều, uống đến mức say như chết, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL. Trong số đó có những trường hợp không thể qua khỏi.
Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, thành phần Ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở cả 2 bên não.
Nếu tình trạng này được xử lý chậm, tổn thương não sẽ lan rộng hơn gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong. Đặc biệt, những người gầy, yếu, suy kiệt và người trẻ (dưới 30 tuổi) là đối tượng dễ bị hạ đường huyết do rượu.
Về phía chuyên gia, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Cụ thể là loại rượu sử dụng chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, bảo đảm từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, để có thể truy xuất được nơi sản xuất, người phân phối.
Trong dịp cuối năm, lễ, Tết, cần uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia.
Đặc biệt theo chuyên gia, người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, uống sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời, gia đình cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.
Cơ thể chỉ bị đau đầu, mệt mỏi, nôn ói nhưng cơ thể sẽ tự đào thải được các chất gây hại. Tuy nhiên, nếu uống phải rượu methanol bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng, nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê. Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau 1 ngày uống.
Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời nguy cơ tử vong ở mức rất cao, trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.
Có những ca nặng, dù được cứu sống nhưng việc điều trị rất khó khăn. Ngoài thở máy bệnh nhân phải lọc máu liên tục kèm với các giải pháp lọc độc chất, truyền ethanol tinh khiết, chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng.
Trung tâm Chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao. Nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đều đã báo cáo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng. Nguyên liệu cồn công nghiệp chứa methanol do sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu và rất sẵn trên thị trường.
Chơi pháo, bé trai 12 tuổi vỡ ruột, nát tay
Theo Vietnam+ bệnh nhân Đ.H.P (sinh 2012) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đa chấn thương, vết thương thủng bụng lộ nội tạng, tổn thương phức tạp vùng tay trái, đùi trái, vỡ khung chậu.
Ngày 30/1, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đơn vị vừa tiếp nhận thêm một trường hợp đa chấn thương nặng, vỡ nát nhiều đoạn ruột non, thủng trực tràng, vỡ bàng quang, dập nát tay trái, đùi trái, vỡ khung chậu trái do chơi pháo phát nổ.
Tối 28/1, bệnh nhân Đ.H.P (sinh năm 2012, ngụ quận Sơn Trà) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đa chấn thương, vết thương thủng bụng lộ nội tạng, tổn thương phức tạp vùng tay trái, đùi trái, các vết thương nham nhở, nhiều dị vật.
Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sỹ hội chẩn, xác định đa tổn thương do pháo nổ, vỡ nát nhiều đoạn ruột non, thủng trực tràng, vỡ bàng quang, dập nát tay trái, đùi trái, vỡ khung chậu trái, xây xát bỏng da toàn thân.
Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu. Các bác sỹ của nhiều chuyên khoa đã phối hợp rửa vết thương, lấy ra nhiều dị vật, phẫu thuật vết thương bàn tay, vết thương vùng bẹn đùi, cắt bỏ ruột non vỡ và thủng, khâu trực tràng, khâu bàng quang, làm hậu môn nhân tạo, cứu sống bệnh nhân.
Bệnh nhân đã tỉnh và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực tại Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng.
Bác sỹ chuyên khoa II Huỳnh Đức Phát, Trưởng Khoa Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của pháo.
Tuy nhiên, cứ vào dịp giáp Tết lại có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe. Nhiều trường hợp phải chịu thương tật suốt đời.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thời gian gần đây tiếp nhận nhiều ca tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi.
Bác sỹ Huỳnh Đức Phát khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con em mình, cảnh báo cho con mức độ nguy hiểm của việc chơi pháo.
Nhà trường, xã hội cần tích cực tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của pháo nổ để hạn chế các tai nạn thương tâm xảy xa.
Trước đó, trong tháng 1/2024, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận ba bệnh nhân bị chấn thương nặng do pháo nổ.
Sau rét đậm, rét hại miền Bắc sắp hửng nắng, có nơi cao nhất 26 độ C
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ đêm 30/1 đến ngày 1/2, phía Tây Bắc Bộ có mưa vài nơi, đêm và sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Trời rét, từ đêm 31/1 đêm và sáng sớm trời rét.
Phía Đông Bắc Bộ đêm và sáng sớm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù rải rác; sau có mưa vài nơi; từ ngày 1/2, trưa chiều trời nắng. Trời rét, từ đêm 31/1 đêm và sáng sớm trời rét.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; từ ngày 1/2 trưa chiều trời nắng. Phía Bắc trời rét, từ đêm 31/1 đêm và sáng sớm trời rét.
Các khu vực khác chiều tối và đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng.
Từ đêm 1/2 đến ngày 9/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng sớm trời lạnh.
Các tỉnh Nam Bộ đêm có mưa vài nơi; ngày nắng, có nơi nắng nóng.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông có thể sẽ nhiều hơn.
Cùng với đó, hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm..
“Sau đợt không khí lạnh mạnh cuối tháng 1/2024, dự báo không khí lạnh sẽ hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trong tháng 2 - 3/2024 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, nhất là trong tháng 2/2024, có thể gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và nguy cơ xảy ra băng tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ. Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023 - 2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm”, ông Hoàng Phúc Lâm thông tin.
Chuyên gia khí tượng cũng cảnh báo nguy cơ thiếu nước nửa đầu năm thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Chuyên gia nhận định xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không khốc liệt như năm 2015 - 2016, 2019 - 2020. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 - 3/2024; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 - 4/2024.
Trúc Chi (t/h)