Bản tin 5/11: Cứ 1.000 người Việt, có 770 người sở hữu xe máy

Bản tin 5/11: Cứ 1.000 người Việt, có 770 người sở hữu xe máy

Thứ 3, 05/11/2024 06:00

Việt Nam có tỉ lệ sở hữu xe máy thuộc hàng cao nhất thế giới; ĐBQH: Sớm xây dựng luật tránh "phông bạt", trục lợi từ thiện...

Việt Nam có tỉ lệ sở hữu xe máy thuộc hàng cao nhất thế giới

Bản tin 5/11: Cứ 1.000 người Việt, có 770 người sở hữu xe máy- Ảnh 1.

Đông nghịt người dân đi xe máy. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Tại hội thảo quốc tế "An toàn giao thông: Những thách thức và bài học kinh nghiệm” diễn ra trong 2 ngày 4- 5/11, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia có tỉ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao.

Tính đến tháng 9, cả nước đã có trên 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỉ lệ sở hữu xe máy lên tới 770 xe/1.000 dân, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh đặc thù về quy hoạch xây dựng và bất cập về hạ tầng giao thông, những lợi thế của xe máy như: tốc độ khá cao, có khả năng chuyên chở, sự linh hoạt, thuận tiện, cơ động, tiện nghi, chi phí vận hành rẻ... càng được phát huy lên gấp bội khi so sánh với các phương tiện vận tải khác.

Trong khi tại nhiều quốc gia, người dân không thể đi xe máy do quá nóng, quá lạnh thì ở Việt Nam có thể đi xe máy quanh năm. Những yếu tố đặc thù đó tạo nên tỉ lệ sở hữu và sử dụng xe máy rất cao ở Việt Nam.

Mặc dù có nhiều kế hoạch dự kiến quản lý, hạn chế chặt chẽ hơn, xe máy hiện nay vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, chiếm 85-90% lưu lượng phương tiện trên đường và liên quan tới 60-70% số vụ tai nạn giao thông.

Trao đổi với Vietnamnet, ông Qingfeng Li, Tiến sĩ MHS, Phó giám đốc đơn vị nghiên cứu chấn thương quốc tế chia sẻ, hiện nay, số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ là khoảng 1,19 triệu người trên toàn cầu mỗi năm.

Và người đi xe máy dễ bị tổn thương hơn trong các vụ tai nạn so với người sử dụng ô tô. Chấn thương đầu là nguyên nhân chính gây ra thương tích nghiêm trọng và tử vong.

Trong khi đó, tại Việt Nam xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, chiếm 95% phương tiện lưu hành.

ĐBQH: Sớm xây dựng luật tránh "phông bạt", trục lợi từ thiện

Sáng 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho biết, 9 tháng đầu năm với mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,82% là một con số rất ấn tượng, thể hiện quyết tâm và nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần vượt khó, đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân cả nước.

Tinh thần này đã được thể hiện rõ nét trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra tháng 9 vừa qua.

"Những câu chuyện ấm tình người xuất hiện khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào được khơi dậy mạnh mẽ trong lúc khó khăn", ông Huy chia sẻ.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng có một điều rất đáng án lên án là trong khi những hành động đẹp đang được lan tỏa về tinh thần thiện nguyện thì có không ít những "con sâu làm rầu nồi canh", lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi, lừa đảo. Có những kẻ giả danh nạn nhân của lũ lụt để nhận hàng cứu trợ từ các nhóm thiện nguyện từ phát…

"Từ khóa "phông bạt" những ngày qua như một làn sóng lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng để ám chỉ về lối sống làm màu, khoe mẽ. Hệ lụy là có không ít cá nhân đã trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội", ông Huy nói.

Về lâu dài, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng và ban hành Luật về tổ chức và hoạt động từ thiện.

Xem thêm!

Lần đầu môn Tin học thi tốt nghiệp: Giáo viên, học sinh cần chuẩn bị gì?

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, lần đầu tiên môn Tin học sẽ là một trong số các môn thi tự chọn. Điều này mở ra thêm cơ hội cho học sinh trong việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

GS.TSKH Phạm Thế Long, Tổng Chủ biên bộ sách giáo khoa Tin học 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) chia sẻ, Bộ sách giáo khoa Tin học 12 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo mô hình hoạt động. Các đơn vị tri thức được từng bước hình thành và củng cố thông qua các hoạt động khám phá, củng cố, luyện tập, vận dụng đa dạng, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh. Từ đó, đáp ứng mọi yêu cầu cần đạt nêu trong Chương trình GDPT 2018.

Xem thêm!

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.