Bộ GD&ĐT yêu cầu năm học 2024-2025 sĩ số tiểu học là 35 học sinh/lớp
Theo Truyền hình Quốc hội Việt Nam năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiểu học đảm bảo sĩ số 35 em/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học, tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền.
Năm ngoái, toàn quốc có gần 9 triệu học sinh bậc tiểu học, giảm hơn 313.000 em so với năm học trước. Sĩ số trung bình học sinh/lớp của toàn quốc là 32 em/lớp, ổn định so với năm học trước.
Tuy nhiên một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định của Bộ GD&ĐT như: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương.
Năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu.
Đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút.
Nhập viện trong đau đớn vì xương gót chân đường vỡ chằng chịt như bản đồ
Theo Vietnamnet, bệnh nhân là ông T.N.M, 53 tuổi, trú tại huyện Yên Lập, Phú Thọ. Tuần trước, ông rơi từ độ cao khoảng 2,5m xuống nền cứng, tiếp đất bằng chân phải. Sau 6 ngày tự điều trị tại nhà, gót chân phải của ông vẫn sưng nề, đau, căng tức, đau tăng hơn khi ở tư thế buông thõng chân.
Nhiều ngày tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm, bệnh nhân mới đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) khám.
Từ kết quả chụp chiếu, bác sĩ kết luận bệnh nhân vỡ phức tạp xương gót chân phải, thậm chí hình ảnh trên phim cắt lớp vi tính 3D cho thấy xương gót chân có các đường vỡ chằng chịt như bản đồ.
Ngay sau khi nhập viện vài giờ, bệnh nhân được đẩy vào phòng phẫu thuật để kết hợp xương gót chân phải dưới màn hình tăng sáng.
Sau nắn chỉnh, 3 đinh kirschner được các bác sĩ xuyên vào xương gót cố định các mảnh vỡ, kiểm tra xương gót phục hồi giải phẫu và vững chắc. Vùng gót chân phải không có bất cứ vết rạch da nào.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Giang Hoài Đức, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, gãy xương gót chân xảy ra khi bị lực tác động trực tiếp vào vùng gót chân.
Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng ngay nhưng nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài như đau mãn tính, mất linh hoạt khớp cổ chân, thậm chí cứng khớp.
Sau khi bị chấn thương, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám, xác định các tổn thương để điều trị kịp thời, tránh để lại các di chứng.
Sạt lở đất nghiêm trọng lúc rạng sáng, 2 vợ chồng tử vong khi đang ngủ
Thông tin ban đầu trên Kinh tế đô thị vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 4h sáng 4/8, tại Km 16 thuộc thôn Sài Hồ. Khối lượng đất đá lớn từ sườn đồi bất ngờ đổ ập xuống, vùi lấp một căn nhà có 2 người bên trong là ông T.V.M (SN 1977) và vợ là bà M.T.H (SN 1975).
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ sạt lở, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, đã chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.
"Lực lượng chức năng đã huy động khoảng 100 người tới hiện trường triển khai công tác cứu hộ", ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, cho biết.
Tại hiện trường, ngôi nhà của ông T.V.M và bà M.T.H đã bị sập gần như hoàn toàn, bùn đất lấp kín khu vực trong nhà. Ngôi nhà bên cạnh, nơi gia đình nạn nhân kinh doanh dịch vụ, cũng bị ảnh hưởng do sạt lở đất.
Đến khoảng 10h30 sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 2 nạn nhân. Chính quyền địa phương đã làm thủ tục để bàn giao thi thể cho gia đình lo hậu sự.
Nguyên nhân ban đầu được cho là do mưa lớn kéo dài, khiến đất đá từ sườn đồi không còn đủ độ kết dính, dẫn đến sạt lở.
Hiện các cơ quan chức năng địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, đồng thời cảnh báo và di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Trúc Chi (t/h)