Phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025.
Thông tin trên Hà Nội Mới, thí sinh thi bắt buộc hai môn Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT quy định: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỉ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.
Hào hùng "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" ở Hà Nội
Sáng 6/10, Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình".
Đây là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc, được chỉ đạo bởi Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Chương trình có khoảng 10.000 người tham gia, trong đó 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 9.000 người tham gia diễu hành và trình diễn.
Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời nhìn lại 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" từ UNESCO, khẳng định những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời xây dựng một Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.
"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là sự kiện văn hóa lớn của Hà Nội, được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng truyền thông đặc biệt, lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô đến với cả nước và bạn bè quốc tế.
Mỗi tháng, hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động
9 tháng năm 2024, cả nước có gần 121.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1,15 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý III sáng 6/10, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong 9 tháng năm 2024, cả nước có 11.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 92.800 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, giảm 5% về số doanh nghiệp, giảm 5,8% về số vốn đăng ký.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,3 tỷ đồng, giảm 11,1% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 6.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trúc Chi (t/h)