673 ứng viên được đề xuất xét giáo sư, phó giáo sư năm 2024
Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.
Theo danh sách công khai, có 673 ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, giảm 22 ứng viên so với năm ngoái. Trong đó, có 63 ứng viên giáo sư, 610 ứng viên phó giáo sư.
673 ứng viên đến từ 25/28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.
Năm nay, danh sách ứng viên không có Hội đồng Giáo sư ngành Văn học.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước xác nhận, năm nay Hội đồng Giáo sư ngành Văn học không có ứng viên nào đăng ký.
Tương tự các năm, Kinh tế và Y học là 2 ngành có số lượng ứng viên đăng ký nhiều nhất. Trong đó, Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế dẫn đầu với 108 ứng viên, với 7 ứng viên giáo sư và 101 ứng viên phó giáo sư.
Hội đồng Giáo sư ngành Y học có 82 ứng viên, với 6 ứng viên giáo sư và 76 ứng viên phó giáo sư.
Hội đồng Giáo sư ngành Sử học-Khảo cổ học-Dân tộc học có số lượng ứng viên đăng ký ít nhất, gồm 5 ứng viên, trong đó 1 ứng viên giáo sư và 4 ứng viên phó giáo sư.
Có 2 Hội đồng không có ứng viên được đề cử chức danh giáo sư là Hội đồng Giáo sư ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao và Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học.
Trước đó, theo thông tin từ Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, năm nay cả nước có tổng số 110 Hội đồng Giáo sư cơ sở được thành lập với tổng số 1.033 ứng viên, gồm 93 ứng viên giáo sư, 940 ứng viên phó giáo sư.
Theo kế hoạch, từ ngày 31/8 đến 27/9, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.
Từ ngày 21/10 đến 31/10, Hội đồng Giáo sư nhà nước họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.
Người dân "đội mưa" đổ xô đi mua nhu yếu phẩm trước siêu bão Yagi
Trước diễn biến bất thường của siêu bão Yagi, khi Hà Nội xuất hiện những cơn mưa dông, hàng trăm người dân vẫn đổ xô đi mua hàng hoá, thực phẩm thiết yếu.
Hiện tại, siêu bão Yagi đang đổ bộ vào miền Bắc và được các chuyên gia dự báo độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ) - cấp rủi ro lớn, chỉ ngay sau cấp 5 (màu tím) - rủi ro ở mức thảm họa.
Trước những thông tin đáng lo ngại về diễn biến của cơn bão, nhiều người dân đã nhanh chóng đi đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ nhu yếu phẩm. Theo ghi nhận của phóng viên Người Đưa Tin, khoảng 15h chiều 6/9, khi Hà Nội xuất hiện những cơn mưa dông, vẫn còn hàng trăm người dân đang mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long.
Chị Nguyễn Thị Thủy (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) lo lắng thực phẩm khan hiếm nên đã sắp xếp công việc để mua chút đồ ăn dự trữ, chị chia sẻ "Bình thường cứ mưa dài ngày là rất khó để mua được đồ tươi sống, đây lại còn là siêu bão".
Trước nhu cầu lớn của người dân, siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung cấp, các quầy hàng rau củ dù liên tục hết hàng nhưng vẫn được nhân viên bổ sung sản phẩm ngay lập tức.
Cứu sống bệnh nhi 4 ngày tuổi bị viêm ruột hoại tử nguy kịch
Theo thông tin đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) cho biết, dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, đơn vị đã tiếp nhận cứu chữa cho một trường hợp đặc biệt.
Bệnh nhi là bé trai 4 ngày tuổi, sinh non 36 tuần với cân nặng 2,4 kg. Mẹ bé có tiền căn tiền sản giật, nhiễm HIV.
Tại khoa Cấp cứu, tình trạng bệnh nhi nguy kịch, suy hô hấp trầm trọng phải thở máy, nhiễm trùng rất nặng. Hình ảnh chụp phim bụng cho thấy, bé có rất nhiều hơi trong thành ruột, nghi ngờ thủng ruột. Trong đêm, các bác sĩ trực đã tiến hành hội chẩn, hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu cho bé.
BSCK1 Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp cho biết, quá trình phẫu thuật, ekip điều trị ghi nhận hơn 20cm đoạn cuối ruột non và 10cm đầu ruột già của bệnh nhi bị viêm hoại tử sắp thủng, các đoạn ruột còn lại viêm nhiều nơi.
Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ đoạn ruột hoại tử làm hậu môn nhân tạo. Hậu phẫu, sức khỏe bé đang dần phục hồi.
Theo BS Hiền, ngoài việc sinh non nhẹ cân, nhiễm trùng nặng, ruột viêm hoại tử nhiều nơi, bé có khả năng đang nhiễm HIV. Do đó, bệnh nhi được phẫu thuật tại phòng dành riêng cho các trường hợp bệnh truyền nhiễm, với quy trình xử lý chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, viêm ruột hoại tử sơ sinh thường gặp ở trẻ sanh non, cân nặng thấp và thường có tiền căn sanh ngạt, có bệnh lý về tim mạch. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị 15 trường hợp viêm ruột hoại tử phải phẫu thuật.
Triệu chứng thường gặp của viêm ruột hoại tử thường gặp là nôn trớ, tiêu phân lỏng, chướng bụng, dịch dạ dày màu xanh, thành bụng cứng đổi màu xanh hoặc phù nề đỏ (dấu hiệu gợi ý thủng ruột), đi tiêu ra máu.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu toàn thân không đặc hiệu cũng có thể xuất hiện, như: ngưng thở hoặc suy hô hấp, li bì, rối loạn thân nhiệt, sốt, nhịp tim giảm, tụt huyết áp do sốc nhiễm khuẩn. Nặng hơn, bệnh nhi có thể bị suy tuần hoàn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.
Bác sĩ Thạch khuyến cáo, khi nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng, phụ huynh cần thận trọng khi dùng thuốc. Cha mẹ cũng phải cảnh giác việc cho trẻ ăn qua đường ruột lượng nhiều, với thời gian không hợp lý, sẽ gây nguy cơ viêm ruột hoại tử.
Bên cạnh đó, cần tăng cường dinh dưỡng bằng sữa mẹ cho trẻ, vì đây là loại sữa duy nhất sẽ giúp giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử và các vấn đề sản khoa, vì có nhiều kháng thể bảo vệ.
Trúc Chi (t/h)