Ra mắt 12 đội tuyển học sinh giỏi Tp.Hà Nội đi thi quốc gia
Theo Kinh tế & Đô thị chiều 6/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lễ ra mắt các đội tuyển học sinh giỏi TP tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024. Theo quy chế mới, năm nay, Tp.Hà Nội có 240 học sinh của 12 đội tuyển tham dự kỳ thi, tăng 56 em so với năm học trước.
12 đội tuyển học sinh giỏi Tp.Hà Nội tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 – 2024 (mỗi đội tuyển 20 học sinh) gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga.
240 học sinh được chọn là sự kết tinh đạo đức, trí tuệ, trình độ học vấn của học sinh Hà Nội. Để có mặt tại vòng thi quốc gia, các em đã xuất sắc vượt qua 2 vòng thi do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức với 1.188 thí sinh, trở thành đại diện tiêu biểu nhất của học sinh cấp THPT toàn Tp.Hà Nội.
Như mọi năm, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn là đơn vị có số lượng học sinh tham gia các đội tuyển nhiều nhất (130 em). Tiếp đến là các trường THPT: Chu Văn An, chuyên Nguyễn Huệ, Sơn Tây.
Ngoài ra còn có học sinh tại các trường: THPT Minh Quang (1 em), THPT Phùng Khắc Khoan – Thạch Thất (1 em), THPT Quang Trung – Hà Đông (1 em), THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân (1 em), THPT Nguyễn Gia Thiều – Long Biên (1 em), THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy (1 em).
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi Hà Nội tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng như thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia dự thi Olympic quốc tế, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức huấn luyện tập trung đối với học sinh các đội tuyển.
Với các đội tuyển đặc thù, học sinh còn được tham gia huấn luyện, bồi dưỡng tại các trường đại học, học viện.
Giáo viên tham gia huấn luyện là những giáo viên được lựa chọn từ những giáo viên có năng lực, trình độ, thành tích bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi tham dự các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, các đội tuyển có thể chủ động mời các chuyện gia, giảng viên có kinh nghiệm tham gia bồi dưỡng học sinh.
Đáng chú ý, phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhắn nhủ: "Với thí sinh, ngoài kiến thức chuyên sâu còn cần nâng cao tư duy sáng tạo, tập trung tối đa nghiên cứu, rèn kỹ năng làm bài…. Với thầy cô lãnh đội cần trau dồi chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp, chủ động tìm tòi tư liệu, truyền lửa cho học sinh, có kế hoạch giảng dạy chi tiết, quan tâm đến từng học sinh…. Với phụ huynh, cần tiếp tục tạo điều kiện, đồng hành, động viên con em tích cực học tập, sử dụng hiệu quả thời gian ôn tập, chăm lo thể chất, tinh thần cho các em….. Với các phòng chuyên môn cần xây dựng kế hoạch khả thi, phân công chuyên môn hợp lý, lựa chọn giáo viên giỏi, kiểm tra, giám sát quá trình bồi dưỡng… để kết quả kỳ thi đạt tốt nhất”.
Được biết, nhiều năm qua, Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước về số giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tại nhiều kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ cho Hà Nội chọn đội tuyển đi thi quốc tế và đều giành kết quả xuất sắc.
Đặc biệt, năm học 2022 - 2023, Hà Nội đạt 141 giải quốc gia và là địa phương có số lượng giải Nhất cao nhất toàn quốc.
Bé trai 4 tuổi ở Hà Nội bất ngờ phát hiện bị đái tháo đường
Theo Vietnamnet, bệnh nhi tên Đ.M.Q, ở Long Biên, Hà Nội. Trước đó 2 tuần, bé ho, sốt, kèm đờm, khò khè. Hôm 23/10, bé được bố mẹ đưa tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), chỉ định nhập viện nội trú.
Đến 5h chiều cùng ngày, bé sốt nhẹ. Sau 5 giờ đồng hồ, trẻ mệt mỏi hơn, thở nhanh, gắng sức nhiều. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Hồi sức tích cực Nhi, nhận thấy đây là kiểu thở đặc biệt, tình trạng thở nhanh không tương xứng với tổn thương phổi của bệnh nhân.
Kết quả xét nghiệm khí máu, test đường huyết mao mạch cho thấy bệnh nhân trong tình trạng nhiễm toan nặng. Đặc biệt, lượng đường máu tăng lên rất cao 37mmol/l, trong khi đường huyết ngẫu nhiên được đo bất kỳ thời điểm nào trong ngày là 11,1 mmol/l được xem là bình thường.
Bệnh nhân được chuyển ngay sang khoa Hồi sức tích cực nhi. Tại đây, ê kíp trực đã nhanh chóng đặt nội khí quản, chủ động kiểm soát đường thở cho bệnh nhân. Bệnh nhi cũng được bù dịch, truyền insulin tĩnh mạch liên tục, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải.
Hiện trẻ tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, bắt đầu ăn uống được, các biện pháp kiểm soát đường huyết đã chuyển sang phác đồ tiêm insulin 4 mũi dưới da.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, bệnh đái tháo đường ở trẻ em chủ yếu là type 1, tức là thể phụ thuộc insulin, tuy hiếm gặp nhưng biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton có thể diễn tiến nặng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
"Điều gây khó khăn ở trường hợp này là tình trạng đái tháo đường chưa hề được phát hiện trước đó. Đến lúc phát hiện ra, trẻ đã trong tình trạng rất nặng", bác sĩ Kết nói.
Bác sĩ Kết cũng khuyến cáo các phụ huynh khi phát hiện trẻ có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm gầy sút cân trong thời gian ngắn, nên đưa con đi khám ngay.
Xe máy kẹp 3 tông xe đạp điện, 1 người tử vong 4 người bị thương
Theo VOV, vụ tai nạn xe máy tông xe đạp điện khiến 1 người chết, 4 người bị thương xảy ra vào lúc 21h30 ngày 5/11, tại Tỉnh lộ 564 qua địa phận thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Thời điểm này, xe máy biển kiểm soát 73H1-270.78 chở 3 người gồm Nguyễn Xuân Tr. (26 tuổi); Lâm Đức Ph. (23 tuổi) và Trương Đại Ng. (18 tuổi), cùng trú tại thôn Bình Minh, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy. Xe máy này chạy tốc độ cao, va chạm trực diện với xe đạp điện đi chiều ngược lại. Xe đạp điện chở 2 người là Hoàng Đình Phú Q. (14 tuổi), trú tại tổ dân phố Thượng Giang, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy và Nguyễn Thị Thu H. (16 tuổi), trú tại thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy.
Sau khi va chạm, 3 người trên xe máy và 2 người trên xe đạp điện bị thương. Người dân địa phương kịp thời phát hiện và đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, em Nguyễn Xuân Tr. đã chết trên đường tới bệnh viện.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình điều tra, xử lý.
Trúc Chi (t/h)