Bão số 3 tàn phá miền Bắc hơn 3.200 ngôi nhà hư hỏng
Theo Vietnamnet sáng 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tổng hợp tình hình cơn bão số 3 và công tác ứng phó khắc phục.
Theo đó, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão rất đặc biệt, bão hình thành phía Đông của Philipines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía bắc đã bị tổn thương rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7-8/2024.
Tâm bão khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió thực đo lớn nhất trên đất liền tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 13, giật cấp 16; đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 9, giật cấp 12; Hải Dương cấp 12, giật cấp 13; và Hà Nội cấp 6, giật cấp 10; đồng thời bão đã gây mưa rất lớn ở khu vực Bắc Bộ.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, công tác phòng, chống thiên tai luôn được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm từ xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Công tác dự báo bão cũng được tăng cường, cập nhật liên tục trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan, đơn vị liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Ngay sau khi được thành lập vào sáng 7/9, Ban Chỉ đạo tiền phương đã khẩn trương cơ động vào vùng trung tâm ảnh hưởng bão, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trọng điểm, lực lượng Quân Khu 3, công an để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó với bão.
Các lực lượng đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trước khi bão đổ bộ: Kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn.
Đồng thời, huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện các loại để ứng phó với bão, phân công lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu; tổ chức bơm tiêu rút nước trên các hệ thống kênh, mương và mặt ruộng; hệ thống các trạm bơm tiêu và các công trình thủy lợi sẵn sàng vận hành tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra để bảo vệ sản xuất; triển khai các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình...
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Tp.Hà Nội…
Về nông nghiệp, 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Bình Thuận thiếu trên 710 giáo viên
Theo VOV liên quan tình hình thừa, thiếu giáo viên trong năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết, qua rà soát, đối với 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thiếu trên 710 giáo viên.
Cụ thể, cấp mầm non thiếu trên 65 giáo viên; cấp tiểu học thiếu trên 451 giáo viên và cấp trung học cơ sở thiếu trên 194 giáo viên.
Trong đó, cấp tiểu học còn thiếu giáo viên các môn: ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mĩ thuật; cấp Trung học cơ sở còn thiếu giáo viên các môn: ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mĩ thuật (tuy nhiên vẫn thừa ở một số môn học như: toán, vật lí, lịch sử - địa lí, khoa học tự nhiên).
Ngoài ra, một số địa phương còn thiếu giáo viên giảng dạy các môn: giáo dục địa phương, hướng nghiệp - trải nghiệm, âm nhạc, mĩ thuật.
Riêng đối với cấp trung học phổ thông, việc học sinh tự chọn tổ hợp môn tiếp tục làm mất cân đối đội ngũ giáo viên, một số bộ môn dôi dư thêm giáo viên: toán, vật lí, hóa học, sinh học; một số bộ môn thiếu giáo viên: ngữ văn, giáo dục công dân, địa lí, tiếng anh.
Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang xây dựng kế hoạch biên chế giáo viên đối với cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở; Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch biên chế giáo viên đối với cấp học Trung học phổ thông theo quy định tại Thông tư số 19 ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 20 ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
Để khắc phục tình thiếu giáo viên, trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có sao cho phù hợp để ổn định biên chế trường lớp đầu năm học 2024-2025.
Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận cho biết thêm: "Sau khi được phê duyệt chỉ tiêu biên chế giáo viên thì các địa phương căn cứ trên số lượng giáo viên còn thiếu sẽ tiến hành công việc tuyển dụng. Đối với cấp trung học phổ thông , Sở Giáo dục và Đào taok sẽ hợp đồng thỉnh giảng ở 1 số môn còn thiếu giáo viên".
2 vợ chồng bị chó cắn, 3 tháng sau người vợ tử vong
Ngày 8/9, Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc, Đồng Nai xác nhận trên địa bàn xã Xuân Hưng vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn.
Như vậy, đây là trường hợp thứ 2 tử vong vì bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ đầu năm 2024 đến nay.
Thông tin trên Người Lao Động trường hợp tử vong là bà N.T.N.B. (44 tuổi, công nhân lò gạch, quê tỉnh An Giang, sinh sống xã Xuân Hưng).
Vào giữa tháng 5/2024, bà B. có xin 1 con chó nhỏ (chưa rõ địa điểm xin) về nuôi tại phòng trọ trong lò gạch. Đến ngày 25/5, vợ chồng bà B. thấy con chó bị ốm nên cho uống thuốc thì bị chó cắn nhẹ ở tay của cả 2 người.
Sau đó, vợ chồng bà B. có đi xử lý vết thương ở một phòng khám tư nhân, được nhân viên y tế tư vấn đi tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại nhưng không đi tiêm.
Khoảng 5 ngày sau đó, con chó này chết. Đến trưa 29/8, bà B. lên cơn sốt, đến phòng khám tư nhân truyền dịch nhưng không đỡ. Tối cùng ngày, bà B. có triệu chứng sợ nước, sợ gió, đau đầu, mệt mỏi, đến Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc khám.
Tiếp đó, người này được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM và được chẩn đoán dương tính với virus dại. Đến khoảng 19 h ngày 30/8/2024, bà B. tử vong.
Chồng bà B. là ông N.V.T. (53 tuổi) hiện tại sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận triệu chứng bất thường. Ông T. đã được tuyên truyền và hướng dẫn đi tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng ngừa bệnh dại tại Viện Pasteur Tp.HCM. Sau đó về quê để lo đám tang cho vợ.
Theo điều tra của cơ quan y tế huyện Xuân Lộc, ngoài 2 vợ chồng ông T., đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nào bị con chó dại nói trên cắn và cũng chưa xác định được nguồn lây bệnh dại cho con chó đã cắn vợ chồng ông T.
Trúc Chi (t/h)