Hầu hết các hồ thủy điện lớn ở mức nước chết
Thông tin trên VTV, ghi nhận sáng 8/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đã về mức nước chết, chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình còn nước.
Trong báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.
Tình hình thủy điện phía Bắc ghi nhận cho thấy, hầu hết các hồ thủy điện lớn đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã xuống dưới mực nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/5. Như vậy, hiện nay, công suất khả dụng của thuỷ điện là hơn 3.100 MW, chỉ đạt hơn 23% công suất lắp.
Dự kiến tháng 6 này và các tháng tiếp theo, phụ tải tiếp tục tăng cao hơn 50-70 triệu kWh mỗi ngày so với hiện tại, công suất cực đại tăng xấp xỉ 5% so với cùng kỳ.
Thông tin thêm trên báo Đại Biểu Nhân Dân, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các bộ, cơ quan có liên quan đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp cấp bách nhưng đến nay đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian tới, đặc biệt là ở miền Bắc (với đặc trưng là nguồn thuỷ điện chiếm tỉ trọng lớn 43,6%).
Chia sẻ về tình hình cung ứng điện của miền Bắc, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho biết từ giữa tháng 4 đến nay, EVN gặp khó khăn trong đảm bảo cung cấp điện của khách hàng. Do đó, tập đoàn đã phối hợp các cấp chính quyền tiết giảm điện trong tình huống thiếu nguồn sao cho phù hợp nhất với đặc điểm của từng địa phương.
"Hiện ở miền Nam, miền Trung hoàn toàn đảm bảo cung ứng điện, riêng phía Bắc còn khó khăn, từ nay đến khi nước về hồ thủy điện cố gắng duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn. Trong lúc này, nhu cầu phụ tải nắng nóng tiếp tục tăng cao, nguồn điện không đáp ứng đủ, một số thời điểm phải tiết giảm điện. EVN mong khách hàng thông cảm, chia sẻ với tình huống khó khăn", đại diện EVN chia sẻ.
Yêu cầu thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT
Theo báo Đầu Tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023. Theo đó, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các tỉnh, thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cấp tỉnh để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, chính quyền các cấp phối hợp với Sở Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ thi.
Đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh tại tỉnh theo đúng nguyên tắc mọi khâu của Kỳ thi và tuyển sinh đều phải được thanh tra, kiểm tra.
Mục tiêu ngăn chặn, phòng ngừa là chính, kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm (nếu có) để bảo đảm tổ chức kỳ thi, tuyển sinh an toàn, trung thực, không để xảy ra tiêu cực, vi phạm quy chế.
Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh quan tâm, tăng cường phối hợp chỉ đạo để công tác thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2023 tại tỉnh được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trước đó, ngày 29/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc quán triệt thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đó ban hành chỉ thị của chủ tịch UBND tỉnh hoặc tham mưu ban hành chỉ thị của Bí Thư tỉnh ủy/thành ủy về tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2023 tại tỉnh.
Cũng về kỳ thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản yêu cầu các địa phương bảo đảm tổ chức thi và tuyển sinh nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn.
Cần xây dựng phương án dự phòng để ứng phó, xử lý các tình huống bất thường, nhất là phương án dự phòng cho trường hợp thời tiết cực đoan, khắc nghiệt hoặc phát sinh thiên tai, dịch bệnh.
Đồng thời, các địa phương cần chú trọng công tác vận chuyển, bảo quản đề thi; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc;
Cung cấp điện, nước ổn định; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm tại tất cả các địa điểm diễn ra hoạt động tổ chức kỳ thi.
"Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được dự thi an toàn, không để thí sinh phải bỏ thi vì khó khăn về kinh tế, điều kiện đi lại hoặc do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh", Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.
Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ đề nghị địa phương tăng cường ôn tập, kiểm tra, cho học sinh, đảm bảo đầy đủ kiến thức, cho các em tham gia thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong hai ngày 28-29/6 với hơn 1 triệu thí sinh tham dự.
Cảnh báo vùng áp thấp trên Biển Đông gây mưa dông, lốc xoáy
Theo Đại Đoàn Kết, mới đây Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành công văn 204/VPTT về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Công văn cho biết, theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 8/6, vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ có vị trí ở vào khoảng 21,5-22,5 độ Vĩ Bắc, 108,5-109,5 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp hầu như ít di chuyển, có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa dông, lốc xoáy, gió giật cấp 6-7 và ảnh hưởng tới tàu thuyền hoạt động khu vực vịnh Bắc Bộ.
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tránh thiệt hại nghiêm trọng về người trên biển như áp thấp nhiệt đới năm 1996 trên vịnh Bắc Bộ gây ra; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Công văn cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí và thông tin đại chúng tăng cường thông tin về diễn biến của vùng áp thấp đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trúc Chi (t/h)