Bản trường thọ giữa rừng Lũng Mây

Bản trường thọ giữa rừng Lũng Mây

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Nằm giữa thung lũng bốn mặt là rừng núi, xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) được mệnh danh là ngôi làng thọ nhất tỉnh Hòa Bình. Chính chúng tôi cũng không khỏi giật mình khi được chủ tịch hội người cao tuổi xã Lũng Vân cho xem cuốn sổ ghi tên những người cao tuổi lên đến gần trăm người.

Chỉ riêng bản Bục, có gần 10 cụ vào hàng bậc "bô lão" tuy đã bước sang tuổi 100 mà vẫn minh mẫn, tự lo chuyện nấu ăn, tắm giặt hàng ngày.

Sự kiện - Bản trường thọ giữa rừng Lũng Mây

Buổi sớm mù sương ở Lũng Vân

Bản "bô lão"

Từ trung tâm huyện Tân Lạc, chúng tôi vượt thêm 20 km đường rừng để đến được xã Lũng Vân. Chiếc xe máy cứ nhảy lên rồi lại nhảy xuống, những con dốc kéo dài, những cái cầu treo vắt vẻo ngang qua suối, rồi những đoạn đường trơn trượt kéo dài sau cơn mưa... xã Lũng Vân hiện ra trước mắt trong màn sương mờ ảo với bốn bề là núi rừng. Xung quanh, cây cỏ như tấm thảm bọc lấy ngôi làng, không khí mát mẻ, dễ chịu.

Pha ấm trà đặc và kéo một hơi dài thuốc lào, ông Đinh Thanh Dững, chủ tịch hội người cao tuổi xã Lũng Vân nhẹ nhàng lật dở quyển sổ đã cũ kĩ ghi tên những người cao tuổi của địa phương. Nhìn trong danh sách thấy ghi rất rõ: "Toàn xã có hơn 70 người trên 80 tuổi, trong đó có gần 20 người trên 100 tuổi". Ông Dững tiếp lời: "Đây chỉ là số liệu cũ và chưa đầy đủ. Bây giờ các cụ ngoài 90 tuổi chắc nhiều hơn. Tuy nhiên bây giờ các cụ ấy đã lên nương rẫy làm việc hết rồi, nếu chú muốn gặp thì phải đợi quá trưa".

Thời gian này, Lũng Vân bắt đầu vào mùa thu hoạch. Như bao người Mường chịu thương chịu khó khác, vợ chồng ông Hà Văn Xuân ở bản Bách vẫn tất bật theo các con, các cháu đi nương. Năm nay, cả hai vợ chồng ông đều đã 73 tuổi. Ở tuổi ấy, người dưới xuôi đã để cho cái tay được nghỉ ngơi, sớm hôm vui vầy cùng con, cùng cháu. Sở dĩ ông Xuân chưa muốn nhàn hạ là bởi ông thấy sức mình còn như con trâu mộng ngoài đồng, như cọp beo trên núi thẳm.

Thêm nữa, ông đang ở cùng mẹ già là cụ Hà Thị Nỉ đã qua 100 mùa rẫy. Nhà ông tứ đại đồng đường, ở chung trong căn nhà sàn chênh vênh ngay mép đại ngàn. Bởi đông con nhiều cháu nên vừa rồi, ông quyết định sửa sang, cơi nới thêm ngôi nhà đã gắn bó với mình từ thủa thơ dại ấy.

12h trưa, theo chân ông chủ tịch Hội người cao tuổi, chúng tôi tìm đến nhà cụ Hà Thị Nỉ ở bản Bục. Đúng như dự đoán của ông Dững, lúc chúng tôi đến cụ Nỉ cũng mới đi làm nương về và đang hì hục thổi bếp củi đun nước. Nở nụ cười móm mém, cụ nói: "Các anh đợi tý, bà rửa tay chân cái đã rồi vào, hôm nay trời mưa đường bẩn quá". Qua cái nhìn ban đầu, làn da cụ Nỉ tuy đã nhăn nheo song vẫn đỏ hồng, riêng hàm răng thì không còn chiếc nào. Cụ mặc bộ quần áo của dân tộc Mường và nhanh nhẹn từ những việc nhỏ nhặt. Thú thật, nếu không nhìn cuốn sổ trợ cấp của người cao tuổi ghi rõ năm sinh của cụ, tôi không tin rằng người ngồi trước mặt tôi năm nay tuổi đúng tròn 100 tuổi.

Cụ Nỉ sinh năm 1921 và cũng từng ấy mùa nương rẫy sống tại mảnh đất này. Cụ sinh được đến 9 người con, phần đông đã đi nơi khác lập nghiệp. Có người con muốn đưa cụ về sinh sống cùng nhưng cụ dứt khoát không đi và quyết gắn bó với mảnh đất Mường Chậm đến cuối đời. Tuổi cao nhưng cụ vẫn cùng con cháu làm rẫy, nuôi lợn gà. Ông Hà Văn Bưng, con trai cụ, tuổi cũng ngoài 70 kể lại: "Có lần không cho mế (cách gọi mẹ của người Mường) lên nương, mế giận, bỏ ăn cả ngày. Hàng ngày mế vẫn thường dậy từ sớm, nấu ăn bữa sáng rồi trộn thức ăn cho đàn vịt nuôi dưới sàn, lúc rảnh thì đi bộ thăm mấy người trong bản. Nhiều khi sợ mế già bảo mế ngồi một chỗ không phải làm việc, nhưng mế không nghe còn bảo, không làm thì chồn chân chồn tay không chịu được. Nhìn mế vậy thôi nhưng chân khỏe lắm, mùa đông đi làm về là mế nướng thanh gỗ hoặc luồng nóng để xoa lên chân. Hai năm trở lại đây, tai mế nghe kém đi nhưng mắt vẫn sáng".

Ông Hà Văn Khuê, phó chủ tịch UBND xã Lũng Vân cho biết: "Cả xã chỉ có vỏn vẹn hơn 400 hộ gia đình, phần đông là người dân tộc Mường. Nhưng các cụ tuổi bách niên thì ngồi chốc lát không thể nhớ hết họ tên. Bởi thế, năm nào cũng vậy, cứ khi tết đến xuân về, chính quyền xã lại đi chúc thọ những cụ già mà giời ban cho tuổi ấy. Ngoài phần lụa của Chủ tịch nước thì xã cũng có quà riêng". Ông Khuê cũng cho biết, hiện nay xã vẫn chưa thống kê được số người sống cao tuổi ở đây, chỉ biết rằng, toàn xã có gần vài chục cụ được hưởng trợ cấp trên 90 tuổi.

Sự kiện - Bản trường thọ giữa rừng Lũng Mây (Hình 2).

Ở cái tuổi 95, cụ Đinh Thị Trẵn vẫn tự xâu kim, may vá

95 tuổi vẫn xâu kim, may vá

Quá trưa, chúng tôi tiếp tục hỏi đường đến nhà một cụ cao niên khác đã 95 tuổi là cụ Đinh Thị Trẵn ở thôn Pò. Nhà cụ nằm ngang lưng chừng núi nên đường đi rất khó khăn. Cái mệt mỏi của mọi người như được xua tan khi thấy cụ đi ra đầu ngõ đón. Cụ bảo: "Đi làm về nghe đứa cháu bảo có cán bộ ở Hà Nội đang sang nhà chơi nên tôi ra đợi". Cụ Trẵn nói được cả tiếng Kinh và tiếng Mường nên cuộc trò chuyện trở nên cởi mở và thân tình hơn. Cụ có 5 người con và hơn 20 cháu chắt, nội ngoại đủ cả. Chỉ tay vào đứa bé ba tuổi đang chơi ngoài hiên, cụ nói: "Đứa chắt tôi ngoại tôi đấy, nó quấn lắm. Chiều nào cũng bắt cố bồng đi chơi quanh xóm".

Vừa nói chuyện, cụ vừa tranh thủ đan tấm khăn choàng đầu đã rách. Từng đường chỉ của cụ nhẹ nhàng chẳng khác gì thiếu nữ Mường khâu vá khiến chúng tôi sửng sốt. Bà Đinh Thị Hồng (67 tuổi), con gái cụ tiếp chuyện: "Tính mế cẩn thận vậy đó. Cái quần, cái áo mà rách là mế đem ra khâu lại liền, chẳng bao giờ để đến hôm sau. Mế còn biết đan lưới nữa. Mế hay bị chảy nước mắt nhưng vẫn tự lấy chỉ khâu kim được. 95 tuổi rồi mà mế có chịu nghỉ ngơi đâu. Ngày mưa cũng như nắng, mế vẫn lên nương hai buổi trồng cây tỉa bắp".

Sự kiện - Bản trường thọ giữa rừng Lũng Mây (Hình 3).

Cây thuốc nam mà người dân tộc Mường ở Lũng Vân vẫn thường dùng

Cách nhà cụ Trẵn vài trăm mét, cụ Bùi Thị Ón ở xóm Chiềng năm nay đã 97 tuổi. Tuy vậy, cụ vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Mà gần đây nhất cụ mới ra thị trấn huyện thăm cháu gái và các chắt. Kể chuyện cho chúng tôi bằng tiếng Kinh còn lơ lớ, cụ bảo đi chơi hai ngày mà thấy nhớ Lũng Vân. Không làm gì chân tay cứ bồn chồn, thế nên lại đòi đứa cháu chở xe máy về nhà. Dù đã gần 100 tuổi nhưng cụ Ón mỗi ngày vẫn ăn đều 3 bữa. Cụ ăn đầy đủ chất từ rau, quả, thịt. Nhưng cụ thích ăn rau nhất.

Cụ Ón sinh hạ được 7 người con, 2 trai, 5 gái. Con trai đầu của cụ cũng đã gần 80 tuổi. Cháu của cụ cả nội cả ngoại cũng vài chục đứa. Ngồi nhẩm một lúc lâu nhưng cụ Ón vẫn chẳng thể "liệt kê" đủ số cháu, chắt, chút. Cụ chỉ biết rằng chúng đông lắm. Mỗi khi nhà có việc, chúng kéo đến, 5 gian nhà sàn vốn rộng thênh thang này cũng chẳng đủ chỗ cho chúng ngồi. Con lợn hai người khênh khệ nệ, thịt ăn một bữa là sạch nhẵn. Bây giờ, cứ nhìn vào phong thái khỏe mạnh của cụ thì cũng đủ biết, cụ sẽ còn có thêm nhiều đời con cháu nữa.

Đệ nhất mường Bi

Người Mường tự xa xưa vẫn bảo: "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động". Đó là sự đánh giá về bốn Mường nổi tiếng nhất của xứ Mường Hòa Bình. Nổi tiếng cả về văn hóa, kinh tế, sự phì nhiêu cũng như sự hà khắc của các quan lang thổ ti đất đó. Tính về địa giới hành chính, Lũng Vân hay còn gọi là Mường Chậm chính là nóc nhà của đệ nhất Mường Bi. Hình ảnh đầu tiên khiến du khách chú ý nhất bởi những cụ ông, cụ bà dù tóc đã bạc vẫn vui vẻ cuốc đất làm màu hay cấy hái trên nương rẫy.

Về những “kỷ lục” của Lũng Vân, ông Đinh Thanh Dững (ảnh bên), chủ tịch hội người cao tuổi xã Lũng Vân cho biết, người sống lâu nhất ở xã Lũng Vân là cụ Đinh Thị Huệ. Cụ Huệ sinh năm 1897 và mất tháng 2/2011 khi đã 114 tuổi. Trước đó cũng có hai cụ bà xóm Chiềng mất khi 112 tuổi và 109 tuổi.

Cao Tuân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.