Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 1001/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2020.
Đáng chú ý, trong danh sách những cái tên trong danh sách để SCIC chủ động bán vốn trong giai đoạn 2017 - 2020 là: CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman; CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam; CTCP Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam; CTCP Đầu tư Bảo Việt SCIC.
Hiện tại, SCIC đang nắm giữ 33% vốn tại dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Việt Nam. Mặc dù dự án vẫn còn “nằm trên giấy” nhưng năm 2016, SCIC cho biết Tổng công ty đã giải ngân 49,5 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao cho SCIC thực hiện cổ phần hoá và bán vốn tại 5 doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền – đơn vị là chủ sở hữu công trình biểu tượng của Thủ đô, Tràng Tiền Plaza, nằm ngay góc hồ Gươm.
Như vậy, sau khi có công văn trình Thủ tướng và Bộ Tài chính, phương án thoái vốn tại Tràng Tiền của SCIC đã chính thức được thông qua.
Trước đó, SCIC từng đề xuất vẫn giữ tỷ lệ chi phối (từ 90% xuống còn 51%) sau cổ phần hóa đối với doanh nghiệp sở hữu hơn 4.300 m2 đất vàng Thủ đô nhưng Bộ Tài chính lại muốn bán hết vốn Nhà nước tại đây với quan điểm “lĩnh vực kinh doanh thương mại là lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần” để đảm bảo phù hợp với quy định tại Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía SCIC, Tổng công ty này cho rằng chủ sở hữu Tràng Tiền Plaza là đơn vị đặc biệt, đang sở hữu công trình mang tính biểu tượng lịch sử, văn hóa của thủ đô Hà Nội nên cần giữ tỷ lệ quá bán. SCIC cũng đã “kịp” tăng vốn điều lệ của công ty Tràng Tiền thêm 4,5 tỷ đồng trong năm 2016 vừa qua.
Bán vốn nhà nước là cả một nghệ thuật
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi từng chia sẻ: “Bán vốn nhà nước là cả một nghệ thuật, phải vận dụng uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với từng trường hợp cụ thể và tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của thị trường ở từng thời điểm”.
Mới đây nhất, những con số được công bố trong báo cáo của SCIC đã chứng minh được tài năng kinh doanh, “nghệ thuật” bán vốn của lãnh đạo SCIC thời gian vừa qua.
Từ năm 2013 tới nay, tổng doanh thu của SCIC đã tăn 4,1 lần từ con số 5.320 tỷ đồng lên con số kỷ lục 22.034 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, để đạt được thành quả trên, có tới 50% thu từ thương thương vụ bán vốn nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) – chiếm 10.873 tỷ đồng.
Kết quả này kéo lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 18.971 tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với 3 năm trước (đạt 4.913 tỷ đồng năm 2013).
Năm 2017, SCIC đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 11.241 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.330 tỷ đồng. Tuy nhiên SCIC cũng không quên “đe” rằng khả năng thực hiện kế hoạch, công tác bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhỏ còn nhiều khó khăn.
“Hiện còn có 50 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhiều năm, đang tiến hành phá sản hoặc thuộc diện kiểm soát đặc biệt, không có nhà đầu tư quan tâm, một số doanh nghiệp đã bán vốn nhiều năm nhưng đều bất thành” – báo cáo của SCIC cho biết.
Hoa Liên