Bằng cấp gì cũng thất nghiệp nhưng giúp việc thì luôn đắt hàng

Bằng cấp gì cũng thất nghiệp nhưng giúp việc thì luôn đắt hàng

Nguyễn Thị Thu Thảo

Nguyễn Thị Thu Thảo

Thứ 2, 27/02/2017 14:59

Cuộc trò chuyện mà tôi tình cờ nghe được ở chợ tạm đã lột tả một sự thật xót xa vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống hiện nay.

Người giúp việc: Bán cho cô 2 mớ cải cúc, 1 củ cà rốt, 1 mớ cải xanh.

Sinh viên: Mấy hôm nay nhà cô không đổi bữa à?

Người giúp việc: Ôi đổi làm gì, chúng nó khen ngon thì cô cứ thế nấu tiếp cho mà ăn chứ sao phải đổi mất công.

Sinh viên: Anh chị ấy cũng dễ tính nhỉ, ăn mãi mà không biết chán.

Người giúp việc: Thử chán xem, cô mà không nấu thì làm gì có ai nấu cho mà ăn.

Sinh viên: Cô sướng thật, việc thì nhàn, lương lại cao. Cháu tốn bao tiền ăn học xong bây giờ không xin được việc, phải chạy ăn từng bữa, nản lắm!

Người giúp việc: Ôi dào, tại chúng mày cứ thích cầm cái bằng cho oai, chứ toàn lý thuyết suông ra đời làm được tích sự gì. Như thằng con trai cô đây này, học hết cấp 3 cho đi học nghề, giờ đi phụ việc người ta cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Không phải ăn bám bố mẹ là may rồi.

Sinh viên: Có phải mình cháu đâu, giờ sinh viên chưa xin được việc hay cả người thất nghiệp nhiều hơn cả lá rụng mùa thu, đi đâu cũng thấy. Đây cô xem, cử nhân bán rau, thạc sĩ mở quán nước vỉa hè,… Chán chả buồn chết!

Cafe8 - Bằng cấp gì cũng thất nghiệp nhưng giúp việc thì luôn đắt hàng

 Trên các diễn đàn và cả những câu chuyện phiếm hàng ngày, việc tuyển người giúp việc phù hợp với yêu cầu của chủ nhà đôi khi còn khó như "mò kim đáy biển". Ảnh minh họa: Internet.

Người giúp việc: Sao mày không đi làm giúp việc như cô đây này, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu. Mà chúng nó còn phải sợ cô một phép, nghe lời cô răm rắp.

Sinh viên: Cháu cũng thử rồi, nhưng mà bị chê là thiếu kinh nghiệm, chỉ làm được giúp việc theo giờ thôi, cũng chỉ tranh thủ được vài tiếng, coi như kiếm thêm chút ít xăng xe, ăn sáng. Chắc lương cô cao lắm nhỉ?

Người giúp việc: Ờ thì cũng dăm triệu một tháng. Một năm để ra được ối tiền đấy. Thấy chúng nó kêu nhiều đứa làm văn phòng oách thì oách thật nhưng lương còn chẳng được bằng cô, ba cọc ba đồng, chỉ được cái mã.

Sinh viên: Cháu bán rau vì cũng có mối quen, hơn nữa tranh thủ tối còn đi học thêm văn bằng 2 ngoại ngữ cho dễ xin việc.

Người giúp việc: Ôi dào, vẫn chưa tỉnh ra hả con? Bằng cấp gì cũng thất nghiệp, chỉ có giúp việc là luôn đắt hàng. Có bà hàng xóm nhà cô Tết ra còn đỏng đảnh qua rằm mới lên, tiền nong vẫn phải trả đầy đủ, rồi ở nhà mà có mối khác ngon hơn là bỏ luôn nhà cũ. Đấy! Người ta còn phải năn nỉ ỉ ôi mới làm chứ có phải như mấy đứa đi xin hết chỗ nọ chỗ kia mà vẫn không được nhận đâu.

Thôi cô về buôn với mấy bà hàng xóm đây. Chịu khó bán đi nhớ!

***

Câu chuyện dừng lại với tiếng thở dài não nề của bạn sinh viên, ánh mắt buồn chán có vẻ bất lực.

Đây là một thực tế đáng báo động hiện nay khi tình trạng sinh viên ra trường khó kiếm việc làm vẫn luôn là gánh nặng, nỗi lo cho gia đình, xã hội. Khi so sánh giữa sinh viên thất nghiệp và người giúp việc đắt hàng, nhiều người coi nó là khập khiễng, không thể so sánh giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Có người lại cho là bình thường vì dù là lao động gì đi chăng nữa cũng chỉ nhằm mục đích tạo ra thu nhập cho bản thân và của cải vật chất cho xã hội.

Vì vậy, nỗi trăn trở của những nhà quản lý, nhà trường, gia đình và xã hội vẫn luôn thường trực, từ năm này qua năm khác mà chưa có dấu hiệu giảm đáng kể. Tất nhiên số sinh viên chưa tìm được việc làm phù hợp không phải là tất cả nhưng nó cũng là áp lực lớn đối với xã hội. Trong khi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn “khát” nhân tài và luôn mong muốn tìm được người phù hợp với mức lương khủng.

Không ai có thể giúp được các bạn sinh viên ấy ngoài chính bản thân các bạn. Bởi chính mình phải tự hiểu rõ được năng lực của mình và năng động trong việc tìm cơ hội. Tất nhiên cần có chút may mắn nhưng đó chỉ là một trong các yếu tố khách quan. Đừng đổ tại mới ra trường chưa có kinh nghiệm vì các bạn có tận 4-5 năm để tự học hỏi, trau dồi và tìm kiếm công việc làm thêm phù hợp với chuyên môn. Những mối quan hệ cũng là yếu tố không nhỏ có thể giúp các bạn tìm kiếm được công việc phù hợp. Nếu muốn, người ta sẽ tìm cách. Còn không, sẽ tìm lý do.

Câu nói cười ra nước mắt, tưởng như vô thưởng vô phạt của người giúp việc kia vẫn làm tôi băn khoăn mãi về sự tréo ngoe của nó: “Bằng cấp gì cũng thất nghiệp nhưng giúp việc thì luôn đắt hàng”.

Biết đến bao giờ câu nói này mới vô giá trị?

Thảo Nguyên

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.