Đó là nhận định của bà Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên Đại học Ngoại thương trong buổi hội thảo bàn về vấn đề quấy rối tình dục diễn ra gần đây.
Hội thảo lấy cảm hứng từ phong trào #Metoo vốn được biết đến trên mạng xã hội. Năm 2006, nhà hoạt động xã hội người Mỹ Tarana Burke lần đầu tiên lập nhóm Me Too (tôi cũng vậy) với mong ước những nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục có thể tâm sự về nỗi đau họ phải chịu đựng.
12 năm sau, từ khóa này trở thành phong trào gây bão mạng và dần lan rộng đến các nước vốn không mấy cởi mở khi nói đến tình dục, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ: “Lần đầu tiên khi tôi bị quấy rối theo bản năng tìm những người chị và những lớn để than thở. Nhưng lần nào lời khuyên của tôi nhận được là câu: "Em ơi câu chuyện này nhiều lắm phải cẩn thận". Còn những người không thiện chí thì bảo: "Ai bảo mày ăn mặc như thế" hay "Sao lại đi một mình". Còn sau lưng tôi, họ lại nói: “Cứ tưởng mình báu lắm đấy" hay "làm hoa cho người ta hái làm gái cho người ta trêu". Rốt cục tôi giữ trong lòng mình mà không dám nói với ai hoặc cùng lắm chỉ dám kể với người bạn thân thiết. Do đó, những người quấy rối tình dục không bị đưa ra ánh sáng. Tôi đã học cách im lặng như thế".
Nhưng rồi, bà nhận ra rằng cũng chính cách im lặng đó đã giúp cho kẻ quấy rối tình dục tiếp tục hành vi của mình với người khác mà không có bất cứ hành động nào trừng trị. Và đến mãi những năm tháng sau này, bà Ánh mới dám kể lại những lần mình bị quấy rối tình dục.
Còn nhà báo, nhà văn Khải Đơn chia sẻ: “Tôi đã từng bất ngờ trước sự việc một chị bạn đồng nghiệp bất ngờ nghỉ việc tại tòa soạn. Người đồng nghiệp đó là một người rất yêu nghề báo, chị đã từng dấn thân như thế nào… Thế rồi không chỉ nghỉ tại nơi làm việc mà chị bỏ hẳn nghề báo chuyển sang làm truyền thông.
Tôi không hề biết tại sao lại như vậy đến năm 2011 trưởng văn phòng nơi đồng nghiệp đó từng làm việc bị kỷ luật vì việc quấy rối tình dục thì tôi mới hiểu ra. Mãi đến sau này, người đồng nghiệp đó mới dám chia sẻ câu chuyện mình bị và chị đó đã mất ngủ 4 năm liền”.
Thực trạng quấy rối tình dục còn xuất hiện ở nhiều công ty, tổ chức. Nhiều đàn ông ở Việt Nam nghĩ việc trêu ghẹo phụ nữ là bình thường, những câu nói bông đùa, cợt nhả về thân hình phụ nữ hay những cụm từ ngầm nói đến chuyện tình dục chỉ là vui và thậm chí chính phụ nữ cũng thấy vậy, dù họ cảm thấy "không thoải mái" và đôi khi "sợ hãi".
Tuy nhiên, bắt đầu từ những hành vi tưởng chừng là "bình thường, đùa vui", quấy rối tình dục không chừa giới tính hay môi trường nào, cho dù là người nổi tiếng hay dân công sở. Đến một lúc nào đó, người ta không còn phân định được đâu là ranh giới giữa đùa vui và quấy rối.
Định nghĩa quấy rối tình dục của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh yếu tố "không mong muốn". Nạn nhân bị quấy rối tình dục do lý do nào đó để hành vi này diễn ra nhưng nó vẫn là hành vi xúc phạm và gây khó chịu. Chỉ cần đối tượng tiếp nhận cảm thấy không thoải mái với những hành vi đó, nó đã là quấy rối. Ví dụ người ta dễ dãi cho qua khi thân thể phụ nữ bị đem ra bình phẩm công khai bằng ngôn từ khiếm nhã, đa phần từ những người có tư tưởng "vui thôi mà".
Bà Nguyễn Hoàng Anh cho rằng: Ở Việt Nam, nam giới ít hay nhiều đều mắc quấy rối tình dục mà mắc một cách hết sức vô tư. Nhiều người cho rằng mình đây đang đùa vui, thậm chí nhiều người còn đang cho rằng mình đang thể hiện sự quan tâm với phụ nữ.
"Ví dụ, khi tôi mới từ ở nước ngoài về tôi đi vào trường thì gặp những câu "khen": “Em ơi, vòng một của em không thua gì tranh nọ tranh kia nhỉ”. Mọi người không có ý định gì với tôi nhưng họ tưởng câu đó sẽ làm tôi vui nhưng tôi rất là khó chịu. Có điều tôi không làm sao phản ứng được bởi vì người ta hơn tuổi mình, vì mình là người mới về và vì mọi người đều cho rằng đó là một lời đùa bình thường.
Hoặc như vào hoàn có một chút bia rượu hay khi liên hoan nam giới khoác vai, cầm tay nói: "Hôm nay em trông xinh quá nhỉ". Người ta không nghĩ rằng mình khó chịu nhưng nếu như lúc đó mình quát: “Anh có bỏ tay ngay ra không” thì sau đó mình sẽ mang tiếng là người phụ nữ khó khăn", bà Ánh ví dụ.
Về giải pháp, bà Ánh cho rằng đầu tiên cần có một bộ quy tắc rõ ràng, ví dụ không động chạm thân thể, không kể những câu chuyện ngụ ý nọ kia… Và cần phải lắng nghe những phản ánh, cần tìm hiểu sự việc rõ ràng sau đó nên có những cảnh cáo, kỷ luật, không khoan nhượng với hành vi quấy rối tình dục”.
Phong Linh