Băng cướp vàng hiểm độc có một không hai

Băng cướp vàng hiểm độc có một không hai

Thứ 4, 29/05/2013 09:37

Băng cướp gây ra 8 vụ cướp vàng lớn ở nhiều tỉnh khác nhau, thu hơn 800 lượng vàng, 84 viên kim cương, 605 triệu đồng... có tổng giá trị (theo thời điểm xét xử) hơn 33 tỷ đồng.

Trong quá trình thực  hiện các vụ cướp  chúng đã bắn chết một người và làm nhiều người khác bị trọng thương. Tuy nhiên, tất cả bọn chúng đã phải trả giá, chịu sự trừng phạt của pháp luật. 

Những vụ cướp vàng chấn động

Huỳnh Văn Tiếm và Lê Anh Kiệt là hai kẻ mang tội giết người, thụ án tại trại giam Tống Lê Chân ở tỉnh Tây Ninh. Thời gian ở tù chúng kết thành huynh đệ. Mãn hạn tù, trước khi chia tay, chúng hẹn giữ liên lạc để có gì còn "giúp đỡ".

Từ trại giam trở về, Tiếm luôn lầm lì, ít nói. Hàng ngày, gã vẫn ra chợ ăn uống nhưng đôi mắt lại đảo xoay khắp nơi. Trong tâm trí gã từ lâu đã nảy sinh ý định cướp tiệm vàng. Sau nhiều ngày để ý, gã "chấm" tiệm vàng Tân Tiến tại chợ Long Hoa, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Tiếm bắt xe đò xuống TP.HCM tìm Kiệt. Kiệt đồng tình một cách nhanh chóng nhưng do mới ngã xe nên giới thiệu đàn em là Trần Hữu Lộc tham gia. Để việc cướp dễ dàng, chúng góp tiền, sang Campuchia mua một khẩu súng K59 về Tây Ninh chờ thời cơ ra tay.

Chiều tối ngày 22/9/2000, vợ chồng ông Đỗ Văn Xuân và bà Lê Thị Quận (chủ tiệm vàng Tân Tiến) dọn dẹp, cầm một bao vàng ra về dưới sự "hộ tống" của nhiều vệ sĩ. Tiếm và Lộc chạy xe đón đầu, đến đoạn đường vắng thuộc ấp Long Thới, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Ninh thì chặn xe cướp được bao vàng. Trong phi vụ này, chúng cướp 45 lượng vàng 18K, 3 lượng vàng 24K và 5,5 triệu đồng. Tổng số tài sản Tiếm và Kiệt chia nhau, đồng thời "bo đẹp" cho Lộc 5 triệu đồng.

Trong khi cơ quan công an đang điều tra vụ án ở chợ Long Hoa, thì Tiếm dùng toàn bộ số tiền chia được ăn chơi trác táng. Hết tiền, Tiếm lại nghĩ đến chuyện cướp vàng. Sợ ra tay ở tỉnh Tây Ninh sẽ bị phát hiện, gã về TP.HCM tìm kiếm con mồi mới. Sau chừng nửa tháng thám thính, gã nhắm đến tiệm vàng Thanh Tâm tại thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM). Lần này Kiệt đồng ý, đồng thời bảo đàn em là Phan Văn Tưởng sang Campuchia mua thêm hai khẩu súng.

Chiều 7/11/2001, cả bọn kéo nhau đến trước tiệm vàng chờ cơ hội ra tay. Đến 18h cùng ngày, ông Tâm (chủ tiệm vàng) chở vợ mang túi vàng ra về với một số nhân viên hộ tống, đến đoạn đường vắng, Kiệt rút súng chặn đường, nhắm thẳng vào ông Tâm bắn. Trúng đạn, ông Tâm và các nhân viên vẫn cố giành lại túi vàng nhưng không thành công. Trong phi vụ này, bọn chúng cướp được 200 lượng vàng, 30 triệu đồng, 500USD và 210.000 yên Nhật.

Pháp luật - Băng cướp vàng hiểm độc có một không hai

Các bị cáo đứng nghe tuyên án.

Sau một thời gian ẩn mình chờ thời cơ, vào tháng 10/2004, băng cướp táo tợn này quyết định trở lại giang hồ. Theo dõi, biết đường đi nước bước của chủ tiệm vàng Kim Thanh (chợ Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM), tối 2/10 chúng ra tay thực hiện. Khoảng 19h, vợ chồng ông Doãn Mỹ thu gom vàng đem về vừa tới khu đường vắng, Kiệt vội rồ ga lên phía trước rút súng bắn.

Ông Mỹ tiếc túi vàng liền ôm chân Kiệt giằng co, bị hắn rút súng bắn thêm một phát nhưng đạn không nổ. Nhân lúc này, Tưởng chạy đến dùng kéo cắt túi vàng rồi đưa cho Nhãn. Thấy chủ tiệm vàng vẫn đang vật lộn với Kiệt, Nhãn đưa lại túi vàng cho Tiếm giữ rồi rút súng nhắm vào ông Mỹ bắn gây tử vong. Bọn chúng lấy được 50 lượng vàng, 150 triệu đồng và hơn 10.000 USD.

Bên cạnh ba vụ cướp ở trên, băng nhóm này còn gây ra năm vụ khác cũng với tình tiết tương tự thu hơn 800 lượng vàng, 84 viên kim cương, 605 triệu đồng... tổng giá trị theo thời điểm xét xử là hơn 33 tỷ đồng. Bọn chúng bắn chết một người và khiến nhiều người khác bị trọng thương. Sợ bị lộ, sau vụ cướp cuối cùng năm 2005, bọn chúng giải tán băng nhóm, vứt 2 khẩu súng xuống sông Vàm Cỏ Đông (tỉnh Tây Ninh) phi tang. Một số tang vật khác chúng mang sang Campuchia bán để đánh bạc.

3 chuyên án và 3 năm truy lùng

Trước hàng loạt vụ cướp vàng, giết người diễn ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành, Tổng cục phòng chống tội phạm (bộ Công an) quyết định xác lập cùng lúc ba chuyên án để truy xét.

Hơn ba năm đeo bám, công an đã "tỉa" được 7 nghi can, trong đó, hai đối tượng là Lộc và Công đã tử vong do bệnh lý. Theo điều tra của công an, sau những phi vụ cướp vàng táo tợn, chỉ có Nhãn hoạt động trong giới giang hồ, còn Tiếm là chủ sở hữu hai chiếc xe ủi, san lấp mặt bằng ở huyện Hòa Thành ở tỉnh Tây Ninh. Mỗi buổi sáng, Kiệt chở vợ ra chợ đầu mối lấy rau về bán ở đường Lê Văn Lương, quận 7. Riêng Tưởng sở hữu một gara nổi tiếng.

Từ đầu năm 2011, hàng chục trinh sát, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm của các phòng 4, 5, 8 ở cục Cảnh sát hình sự từ Hà Nội được điều động vào TP.HCM tăng cường hỗ trợ cho cục Cảnh sát hình sự phía Nam. Vào giữa 2011, công an phát hiện Tưởng có chuyến sang Campuchia mua súng rồi bàn giao cho Kiệt cất giữ. Bên cạnh đó, một đội khác phát hiện Nhãn và Tiếm đang theo dõi một tiệm vàng ở quận 4. Biết chắc chắn băng cướp này sắp thực hiện vụ án mới nên ban chuyên án chỉ đạo phải bám sát các đối tượng 24/24.

Ngày 8/10/2011, sau khi chở vợ đi lấy rau, Kiệt không hề ra khỏi nhà. Đến khoảng 16h30, Kiệt vội vã ra ngoài. Bằng con mắt nhà nghề, công an phát hiện hắn có giắt súng trên người nên liền bám theo. Đến đường Lê Văn Lương, Kiệt vào quán cà phê Thu Hồng. Khoảng 18h cùng ngày, hai đối tượng Tiếm và Nhãn cũng đến quán cà phê với một bao vũ khí trên tay. Ngay khi bọn chúng đang ngồi, bàn tán về kế hoạch sẽ cướp tiệm vàng ở quận 4 vào tối hôm đó, công an liền ập đến bắt giữ. Khoảng 23h cùng ngày, lệnh bắt khẩn cấp Tưởng được ký và một nhóm điều tra viên ập vào nhà bắt. Khi tra tay vào còng, gã chỉ kịp lí nhí: "Em xin bán hết tài sản để bồi thường, xin đừng tử hình em".

Đền tội

Mới đây, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Huỳnh Văn Tiếm (SN 1959, ngụ Tây Ninh), Lê Anh Kiệt (SN 1966, ngụ quận 8), Nguyễn Văn Nhãn (SN 1957) và Phan Văn Tưởng (SN 1973), Đặng Văn Phước (SN 1951). Trong vòng ba ngày xét xử, các bị cáo đều thừa nhận các vụ mình đã gây ra.

Thay vì thái độ khúm núm, run rẩy khai nhận như đồng bọn, Kiệt luôn lớn giọng trả lời thẩm vấn, cố tỏ ra mình là "giang hồ chính hiệu". Hắn cho biết: "Bị cáo là kẻ cầm đầu, luôn nhắm đến những tiệm vàng lớn để ra tay. Bởi, theo cách nhìn nhận của bị cáo, nếu ra tay phải là phi vụ lớn. Trong những lần ra tay, phải có ít nhất hai khẩu súng thì mới thực hiện". Khi được hỏi về việc tại sao lại bắt đồng bọn của mình nổ súng, giọng hắn lạnh tanh: "Theo bị cáo, làm gì cũng phải thành công nếu không là vô tài bất tướng. Bị cáo bắn hay yêu cầu đồng bọn bắn cũng chỉ vì một mục đích cuối cùng là phải thành công". Đến khi được nói lời sau cùng, gã bảo: "Bị cáo đã làm là bị cáo chấp nhận. Bị cáo nhận tội hết". 

Sau một ngày nghị án, HĐXX nhận định, Tiếm và Kiệt giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, tham gia cả tám vụ cướp. Trong đó có một vụ ở Trảng Bàng, Tây Ninh, Tiếm trực tiếp dùng súng bắn hai phát vào người nạn nhân nhưng không trúng. Còn Kiệt thì có ba vụ dùng súng. Nhãn thì tham gia ba vụ giết người, bốn vụ cướp, còn Tưởng trực tiếp tham gia bốn vụ cướp, đồng phạm trong ba vụ giết người. Các bị cáo còn tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các khẩu súng và đạn để thực hiện các vụ cướp. Các bị cáo thực hiện tội phạm có tổ chức, rất quyết liệt và lạnh lùng thể hiện tính chất lưu manh, côn đồ. Tiếm, Kiệt và Nhãn do vai trò, vị trí, tính chất, mức độ phạm tội nên phải chịu mức án cao nhất của khung hình phạt.                                                         

3 án tử hình và bài học cảnh tỉnh

HĐXX tuyên phạt Tiếm tử hình về tội Giết người, tử hình về tội Cướp tài sản, 8 năm tù về tội Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt là tử hình. Kiệt bị tuyên tử hình về tội Giết người, tử hình về tội Cướp tài sản, 10 năm tù về tội Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Bị cáo Nhãn tử hình về tội Giết người, 20 năm về tội Cướp tài sản, 8 năm về tội Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt là tử hình. Riêng, Tưởng bị tuyên chung thân về tội Giết người, 8 năm về tội Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt là chung thân. Phước bị tuyên 10 năm tù về tội Cướp tài sản, 5 năm tù về tội Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt là 15 năm tù giam.    

Huy Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.