Những người thuộc thế hệ 8x, 7x chúng tôi khi nhớ về những ngày đầu đến lớp, không ít người phải rùng mình khi tưởng tượng ra bảng đen và... thước gỗ.
Tôi còn nhớ, ngày ấy, lớp nào cũng có một hộp phấn, một thước kẻ bảng riêng. Thước thì to lắm, toàn làm bằng gỗ lim, học trò lớp một, lớp hai đến lớp, đứa nào cũng phải nhìn vào cái thước mà sợ. Cô giáo chủ nhiệm lớp tôi là bà giáo gần nhà, gọi là bác. Vào trường, bao nhiêu cái đột ngột xảy ra. Bác đột nhiên chuyển thành cô. Mà cô thì nghiêm khắc lắm, đứa nào viết chữ xấu, không chịu làm bài tập là bị phạt. Cô cứ bắt ngửa lòng bàn tay ra để phất. Nước mắt thì cứ giàn giụa mà không dám khóc. Về sau, nghe mấy đứa bạn lớp khác “tố”, cô giáo lớp chúng nó còn đánh xuống mu bàn tay, đau lắm. Bàn tay trẻ lớp một, lớp hai, lớp ba và những chiếc thước kẻ bảng, dường như chưa bao giờ có thể yêu nhau…. Thế nhưng, cả một thời, chuyện những đứa trẻ bị "ăn" thước kẻ được xem như chuyện bình thường. Có về nhà mách bố mẹ cũng chẳng ăn thua, thậm chí có đứa còn bị đánh thêm vì lười học.
Lớp chúng tôi có một cặp anh em sinh đôi, tôi còn nhớ khá rõ cô em gái tên Lệ nhưng hay nói ngọng thành Dệ. Cứ Dệ ơi, Dệ ơi mà gọi, mà trêu mãi. Hai anh em học kém tới mức cuối năm học, cô giáo buộc phải đề nghị ban giám hiệu cho lưu ban. Điều này đã khiến phụ huynh bạn học chúng tôi sốc, có con học lưu ban là một điều thực sự khủng khiếp và khó chấp nhận. Một cuộc tranh luận đã diễn ra nhưng cô giáo của chúng tôi vẫn nhất quyết không đồng tình cho hai bạn tôi lên lớp. Tôi còn nhớ, phòng ban giám hiệu cách không xa lớp của mình, nhớ cô giáo chúng tôi phải bỏ giữa chừng giờ dạy để lên làm việc với bố mẹ bạn ra sao, những tranh cãi gay gắt từ phòng ban giám hiệu ra tới tận sân trường...
Lệ và Đạt chuyển lớp, chuyển trường sau đó ít lâu. Về sau, câu chuyện của hai người thế nào, cũng không mấy người để ý. Tôi cũng không hiểu tại sao, câu chuyện từ thời tiểu học đó lại cứ hằn sâu trong tâm trí của mình đến vậy, nhớ thậm chí đến cả ánh mắt hơi sếch của cô bạn, nhớ đến từng giọt nước mắt bất lực của Lệ mỗi khi cô giáo gọi lên trả bài, nhớ cả những tiếng cười chế giễu của đám bạn cùng lớp, và nhớ cả những tiếng thước kẻ đập xuống bàn... Mà cũng không hiểu sao, trong suốt hai mấy năm sau đó của cuộc đời, rất nhiều câu chuyện nhớ nhớ, quên quên, chỉ có câu chuyện về bảng đen, về hai anh em Lệ lại vẫn cứ hằn sâu trong tâm trí tôi đến vậy.
Cứ tưởng mình là người mẫn cảm, nhưng có lần, ngồi tụ tập với đám bạn cũ, tôi giật mình, hóa ra đứa nào cũng nhớ câu chuyện về hai anh em đặc biệt ấy. Có đứa thấy bùi ngùi, đứa thì tặc lưỡi, chuyện trẻ con!...
Bây giờ, đã làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ đã tới tuổi đến trường, trong câu chuyện của chúng tôi cũng len lỏi ít nhiều trăn trở. Nhiều đứa than, bây giờ có con đi học "hại não" quá, không biết phải dạy con như nào, "bạo lực" hay mềm mỏng, giao tiếp với giáo viên ra sao,... Có đứa hực lên: "Thầy cô cứ thử động tới "cái lông chân" lũ nhỏ xem, sẽ biết...", có đứa thì cương quyết: "Không nghe lời, hư thì cho phép đánh, phạt, nhưng đánh phạt có chừng mực", "Chừng mực là như thế nào",... Câu chuyện dường như chưa bao giờ có thống nhất.
Đặc biệt là qua nay, nghe chuyện giáo viên tiểu học ở Bình Chánh, Đức Long, Long An phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh ngay trong trường, tự nhiên trong lòng tôi có nhiều cảm xúc hỗn độn. Nhiều câu hỏi được đặt ra, cái lý hay cái tình, cái đúng và cái sai, càng nghĩ càng thấy hoang mang.
Chưa nói đến cái đúng, cái sai ở đây, điều mà tôi quan tâm là những đứa trẻ tiểu học ở ngôi trường đó, chúng sẽ học được những gì, sẽ “noi theo” điều gì để làm kim chỉ nam cho mình trong những tháng ngày sắp tới.
Cô giáo bắt học sinh quỳ phạt, bản thân tôi không ủng hộ phương pháp này. Cô đã sai, nhưng cái cách mà phụ huynh ứng xử thì sao? Kéo đến trường, gây áp lực cho nhà trường và cô giáo, kể cả khi cô đã xin lỗi rồi vẫn không buông. Chỉ đến khi, có một người phải “trả giá” cho việc làm trước đó của mình, có nghĩa là “công bằng đã được thực thi” thì mâu thuẫn giáo viên- học sinh mới tạm thời chấm dứt. Tôi nói là chấm dứt, bởi lẽ sau khi thông tin về vụ việc được lan tỏa trên mạng, chắc chắn câu chuyện này và vấn đề trách nhiệm, ứng xử của những bên liên quan chắc chắn sẽ tiếp tục được đưa ra để cân nhắc. Tôi tự hỏi, các vị phụ huynh trong câu chuyện này, khi bước chân ra khỏi cổng trường sẽ nghĩ gì? Họ hả hê vì đã trả được “mối thù” “ăn miếng trả miếng” cho con họ hay cũng bất ngờ trước cái quỳ gối tê tái của cô giáo, người đã và sẽ tiếp tục hàng ngày truyền đạt kiến thức cho con của họ. Cô đã sai, còn phụ huynh có đúng? Tôi không phải người trong cuộc nên không rõ, nhưng cái câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” cứ bật lên, đăng đắng trong lòng.
Gia đình tôi có hai em bé, một lên năm, một hơn hai tuổi. Mỗi lần, hai đứa giành đồ chơi, đánh lộn lẫn nhau, tôi thường nghiêm giọng quát: “Hai đứa, không được đánh nhau”. Rồi có lần, hai vợ chồng tôi có tranh cãi về một vấn đề, khi câu chuyện đang đến hồi căng thẳng thì “bà cụ non” hai tuổi rưỡi đứng giữa hai vợ chồng, nghiêm giọng “Lại đánh nhau à, không được đánh nhau” khiến hai vợ chồng đều phải phì cười mà tạm gác lại chuyện bất đồng chính kiến. Trẻ con, dù nhỏ nhưng biết và tiếp thu nhanh lắm….
Cũng như câu chuyện về thước kẻ, bảng đen, tôi đau lòng khi nghĩ tới hình ảnh một cô giáo quỳ gối trước mặt phụ huynh sẽ hằn sâu trong tâm trí những đứa trẻ con, mãi mãi… Liệu rồi, ngày mai khi cô tiếp tục đứng trên bục giảng, những đứa trẻ sẽ nghĩ gì, học được gì từ cô, từ cha mẹ của mình?