Độc đáo lễ hội truyền thống Aza Koonh
Mất khoảng 2 giờ đồng hồ nếu chạy bằng xe máy từ TP.Huế, một "phượt thủ" mới lên đến thị trấn A Lưới. Đường đến A Lưới đẹp, trùng phùng cảnh sắc núi non và tất nhiên rồi, khá quanh co bởi những con đèo. Còn gì tuyệt vời hơn nếu chinh phục được con đèo A Co huyền thoại với một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, cây rừng chen chúc nối tiếp nhau. Cái cảm giác sau khi chinh phục được những con đèo này, đứng trên đỉnh đèo, dang rộng hai cánh tay, dồn sức hít một hơi thật sâu thì bạn sẽ cảm nhận được một bầu không khí trong veo bởi hương rừng, hương đất. Phóng tầm mắt xa là cả khung cảnh vùng đất A Lưới hiện lên như một bức tranh đầy màu sắc.
Hằng năm, khi tiết trời đông bắt đầu se lạnh, cũng là lúc các bản làng người Pa Cô, Tà Ôi... lại tưng bừng trẩy hội, cất lên những điệu khèn, điệu múa hay nhất đón chào Tết Aza Koonh.
Tết Aza Koonh còn được gọi với nhiều tên khác như Tết Aza, Tết cơm mới, lễ hội tri ân cây lúa. Đây là lễ hội truyền thống, Tết cổ truyền của dân tộc Pa Cô nói chung và một số dân tộc thiểu số nói riêng nhằm đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Chúng tôi may mắn khi có cơ hội được dự Tết Aza Koonh tại thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới.
Từ sáng sớm, con đường dẫn vào nhà văn hóa thôn A Năm đã đông đúc dân làng đến chuẩn bị cho ngày Tết trong những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt. Có mặt từ sớm, già làng Quỳnh Quyền (thôn A Năm, xã Hồng Vân) cho biết, ngày Tết Aza với đồng bào người Pa Cô rất quan trọng, mỗi năm cứ đến dịp này con cháu dù đi đâu hay làm gì cũng sắp xếp công việc trở về chung vui cùng bản làng.
Tại lễ hội Aza, đông đảo người dân và du khách được chứng kiến người Pa Cô, dân tộc Tà Ôi tái hiện đầy đủ các bước nghi lễ như: A xa a rah (lễ tẩy rửa); Kâl laiq (lễ xua đuổi các linh hồn dữ); Cha chootq (lễ chuẩn bị); Lễ Kacoong tro (lễ mời mẹ lúa); Lễ cúng Aza (cúng các vị giống cây trồng); Lễ cúng cho Giàng Xứ (Giàng sông, suối, gió, núi, mây, mưa, lửa, đất, đường xá,...); Lễ cúng Giàng Ku muuiq (những người đã khuất); Lễ cúng Giàng Pa nuôn (vị thần che chở khi buôn bán); Lễ cũng Giàng A zel; Lễ cúng Giàng Cợt (vị thần ban tặng con người); Lễ cha đoooi aarr beh (lễ ăn cơm mới); Lễ giao mâm cỗ; Lễ Pa choo Tâm moi (nghi lễ tiễn khách).
Trong các bước nghi lễ, lễ cúng Giàng A zel rất được người dân nơi đây xem trọng. Theo quan niệm của người Pa Cô, A zel có 2 vị thần là thần A bum a boi ở trên trời có công mài nhẵn hình hài con người tạo nên các giống cây trồng vật nuôi, điều hòa khí hậu cho mùa màng tốt tươi, bội thu. Thần Tu looi taarr tooq (thần giun đất) ngự trị ở dưới đất, sinh sản lớp đất thịt màu mỡ và có công nuôi dưỡng các loại giống cây trồng tươi xanh, nặng bông, trĩu quả.
Sau khi kết thúc phần lễ, trong phần hội ngày mừng Tết Aza Koonh, những chàng trai, cô gái Pa Cô cùng nâng ly rượu đầy để chúc mừng nhau có sức khỏe dồi dào, một vụ mùa bội thu và cùng nhau nhảy múa, ca hát...
Mới đây, ngày 20/12/2019, một tin vui với bà con người Pa Cô khi Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định công nhận lễ hội truyền thống Aza Koonh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Niềm vui này càng là động lực cho nhiều thế hệ đồng bào người Pa Cô cố gắng gìn giữ, duy trì nét tinh hoa văn hóa độc đáo cho các thế hệ mai sau.
Hương rừng hòa quyện trong chuyến đi
Tôi đặc biệt ấn tượng món thịt ếch gác bếp bởi vị dai của từng thớ thịt của loại ếch tự nhiên và vị lạ "trôi miệng" của những gia vị đặc sắc của người A Lưới. Ếch núi sau khi bắt trong rừng sẽ được bà con ướp gia vị như tiêu rừng, hạt dỗi... rồi nướng trong ống nứa bịt miệng bằng lá chuối. Nướng xong rồi ăn ngay hoặc cũng có nhà để trên gác bếp, để dành tiếp khách, cứ để như này được đến 4, 5 tháng cũng không hỏng.
Và giữa tiết trời đêm lạnh, bên bếp lửa nhà sàn mà được ngồi nhâm nhi ếch gác bếp lai rai đôi chén rượu sim thì không gì có thể tuyệt vời hơn.
Nói về rượu, đối với bà con dân tộc thiểu số ở A Lưới, thức uống này có vai trò quan trọng trong đời sống ẩm thực. Các loại rượu của người Tà Ôi, Ka Tu và Pa Cô rất đa dạng như Ariêu Tà vạc (rượu Tà vạc), Ariêu Par đin (rượu Tà đin), Bhua/a riêu thăn (rượu sắn), Avíeet (rượu mía), Adương (rượu mây), Ariêu Chĩa (rượu dứa)... Các loại rượu này có sự khác nhau về nồng độ, chất lượng nhưng đều góp mặt trong bữa ăn thường ngày ở các gia đình cũng như các hội lớn của làng bản.
Từ khi dấn thân vào nghiệp cầm bút, A Lưới vẫn là vùng đất mà tôi viết luôn tìm về mỗi khi "đói" đề tài. Cảnh sắc tự nhiên, những nét văn hóa đa dạng, con người chân thành... là cả một trời để nghiệp viết báo tha hồ khai thác thành những phóng sự dài kỳ.
Đi nhiều, đến nhiều để rồi yêu rừng, yêu con người, yêu A Lưới khi nào không biết.
Trong một dòng trạng thái đầy cảm xúc vào đêm khuya trên mạng xã hội, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới từng thể hiện khát vọng xây dựng huyện nghèo A Lưới trở thành một "nơi đang đến, đáng ở lại và có thứ mang về!".
Và khi nói về để phát triển A Lưới trở thành nơi đáng ở, điều mà vị Chủ tịch huyện trẻ tuổi này mong muốn chính là phát triển một mô hình du lịch sinh thái với các dịch vụ lưu trú homestay, farmstay gắn với trải nghiệm đời sống, văn hóa các tộc người bản địa...
Giờ đây, mô hình homestay đã không quá xa lạ đối với đồng bào nơi đây. Với sự khuyến khích của địa phương, A Lưới đã hình thành những tour, tuyến đặc sắc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo sinh kế, giới thiệu nét văn hóa, ẩm thực bản địa.
Màn đêm buông xuống cũng là lúc sương mờ như tấm màn mỏng giăng mắc những bản nhà sàn. Giữa căn nhà sàn là bếp lửa cháy bập bùng, sau khi lâng lâng chén rượu sim, còn gì thú vị hơn khi được ngả mình trên những tấm đệm êm ái, ấm áp, gối đầu trên chiếc gối bên trong là các vị thuốc lá khô thơm tho và đắp lên mình những tấm chăn thổ cẩm.
Giữa hương rừng hoang sơ, nằm trên căn nhà sàn, xung quanh tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim gọi bạn, thi thoảng tiếng một con thú hoang cất lên lạc nhịp, bạn không say giấc mới lạ...
Lê Công Thành