Kiếm tiền theo kiểu... phi văn hoá
Theo một chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin đang làm việc tại công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), những đầu số kể trên thuộc sở hữu của các mạng di động hoặc Công ty viễn thông liên tỉnh (VTN). Các công ty truyền thông sẽ thuê đường truyền viễn thông (tức đầu số của những đơn vị này - PV) để kinh doanh dịch vụ tin nhắn. Đa phần các công ty làm ăn chân chính, cung cấp dịch vụ đúng theo quảng cáo, tuy nhiên thực tế vẫn tồn tại không ít doanh nghiệp lừa đảo. Khách hàng từng phản ánh rất nhiều trường hợp bị mất tiền oan khi gửi tin đến các tổng đài kể trên. Hiện tại, đang có không ít công ty truyền thông hoạt động theo phương thức "ma quái" này.
Trên các diễn đàn mạng, rất nhiều khách hàng sử dụng điện thoại di động là nạn nhân của trò lừa đảo trên đã lên tiếng phản đối sự thờ ơ, lãnh đạm của các nhà mạng cung cấp đầu số. Phần đông ý kiến cho rằng, một số hãng nhà mạng vì lợi ích kinh tế mà bất chấp tất cả, cùng tổng đài tin nhắn moi tiền khách hàng. Thiết nghĩ, cần có chế tài mạnh để đưa hình thức kinh doanh này vào khuôn khổ.
Liên quan đến hiện tượng quảng cáo công khai clip sex, phim "cấp 3" trên bìa đĩa nhạc, chuyên gia này thẳng thắn: "Đúng là thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều hình ảnh "nhạy cảm" cùng những lời mời "có cánh" ở bìa sau của các băng đĩa. Trong đó có những nội dung quảng cáo phim "cấp 3" và những vấn đề tế nhị liên quan đến tình dục... Cách đây không lâu, tôi có mua một đĩa hài Tết tại cửa hàng băng đĩa trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy). Về nhà, lật mặt sau của đĩa hài, tôi giật mình khi trên đó chình ình hình ảnh nhạy cảm của một cô gái trong tư thế ngả ngớn, kèm theo những lời quảng cáo: Bí quyết "lên đỉnh", bí quyết "yêu bằng miệng", dạy em làm chuyện đó, phim nóng bỏng nhất, phim tải nhiều nhất, phim sexy mới nhất... Tiếp đó là tên của một loạt bộ phim kèm theo mã số và cú pháp soạn tin để xem được những clip trên. Là người làm trong nghề nên tôi chẳng lạ gì chiêu trò trên, nhưng chắc hẳn đã có không ít người mắc lừa những lời có cánh này".
Nhà văn, nhà báo Trần Thị Trường.
Lỗ hổng pháp lý "chết người"?
Xung quanh câu chuyện này, nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm của nhà mạng cung cấp tổng đài ở đâu? Họ cung cấp đầu số cho các công ty kinh doanh dịch vụ, lẽ nào họ không kiểm duyệt nội dung? Trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa ở đâu? Có thể nội dung quảng cáo chỉ dành cho đối tượng 18+ nhưng ai sẽ kiểm soát được độ tuổi người nhắn tin? Ai sẽ chắc rằng, những em bé thơ ngây sẽ không bị tiêm nhiễm vào đầu thứ văn hoá độc hại đó?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: "Việc quảng cáo clip sex, phim ảnh đồi truỵ trên bìa băng đĩa chẳng khác gì tuyên truyền văn hoá phẩm đồi truỵ. Hình thức quảng cáo này không công khai mà núp bóng dưới băng đĩa của các nghệ sĩ tên tuổi. Điều 253, Bộ Luật Hình sự quy định, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trong trường hợp này, việc quảng cáo trá hình trên đã vi phạm Luật Hình sự".
Nhà văn, nhà báo Trần Thị Trường, phó giám đốc khu vực phía Bắc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho rằng, trẻ em là đối tượng chưa phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở độ tuổi này rất cần sự bảo vệ chăm sóc cẩn trọng của người thân và toàn xã hội. Không chỉ ở ta, ở tây (Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc) luật pháp và đạo đức xã hội đều có những đạo luật buộc gia đình và xã hội phải nuôi dạy trẻ trong một môi trường lành mạnh, giàu tính thẩm mỹ. Những hình ảnh xấu xí, phản cảm, thiếu thẩm mỹ lành mạnh; nhất là những hình ảnh về sex là cấm tuyệt đối trước con mắt trẻ thơ.
Theo bà Trường, tâm hồn trẻ rất dễ tổn thương, những hình ảnh đó còn có khả năng gây tác động cực xấu cho sự phát triển lành mạnh của các em. "Tôi nghĩ, không cần phải là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học... mà là bất cứ ai đều thấy việc sử dụng những hình ảnh sex để quảng cáo (cho phim, cho băng đĩa ca nhạc, trò chơi...) là việc đáng lên án", bà Trường bức xúc.
Để rộng đường dư luận, PV đã tìm cách liên hệ với thanh tra Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội, tuy nhiên không nhận được bất cứ thông tin gì từ đơn vị này. Cả hai vị chánh lẫn phó chánh Thanh tra Sở đều bận đi công tác và không thể trả lời phóng viên!? Khi chúng tôi đặt vấn đề trao đổi thông tin qua điện thoại, đồng chí Chánh thanh tra Sở từ chối trả lời vì "sợ bị... cắt gọt thông tin"!?
Cơ quan giám sát ở đâu? Theo luật sư Nguyễn Huy An, với tư cách là đơn vị cung cấp tổng đài khai thác dịch vụ cho các công ty truyền thông, nhà mạng cũng không tránh khỏi trách nhiệm. Trong hợp đồng ký kết cũng quy định rất rõ về nội dung quảng cáo và nhà mạng phải có trách nhiệm giám sát. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, cơ quan phụ trách văn hoá và thông tin truyền thông, đặc biệt là thanh tra ngành phải chịu trách nhiệm giám sát. Hình thức quảng bá công khai như vậy, họ cũng không thể đứng ngoài cuộc. |
T.P - A.Đ