Vụ bắt đền tình yêu kiểu “độc nhất vô nhị” mới xảy ra ở thôn Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, Mỹ Đức, Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi hoảng hồn về sự tha hóa lối sống, đạo đức của giới trẻ và những bậc làm cha làm mẹ hiện nay Người trong cuộc đều đưa ra lý lẽ để biện minh, song hành động mất nhân tính của họ đã khiến dư luận “dậy sóng”
Ảnh minh họa
Nạn nhân của các bậc phụ huynh
Vì yêu nhau, đôi trẻ là Tr và T (ở thôn Văn Giang) đã vượt quá giới hạn, dẫn đến hậu quả là Tr có thai 17 tuần. Nhưng khi bàn đến hôn sự, gia đình T không đồng ý. Không nơi bấu víu, Tr đành phải tìm đến biện pháp phá thai. Sự việc không dừng lại ở đó, mẹ của Tr còn “thần kinh thép” đến mức lấy cái thai đã bỏ của con gái, cho vào thùng xốp, đem đến đặt ở nhà T để trả thù vì bị chối bỏ Không vừa, “bà thông gia” lại tiếp tục nhặt xác thai nhi đem vứt lại. Đỉnh điểm của sự việc là một cuộc hỗ chiến, gây thương tích xảy ra giữa hai bên Khiến CQĐT phải vào cuộc giải quyết.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc “bắt vạ” lạ đời và vô đạo đức ở trên có sự chi phối của người lớn, những bậc làm cha làm mẹ. Và đôi trẻ Tr và T cũng chỉ là nạn nhân cho hành động thiếu suy nghĩ của hai bà mẹ.
Khác với chuyện T và Tr ở Mỹ Đức, trường hợp của Hưng và Hà (ở Cầu Giấy, Hà Nội) lại hoàn toàn khác. Biết Hưng có dấu hiệu rũ bỏ trách nhiệm làm cha nên Hà ra điều kiện kèm theo. Cụ thể, Hưng phải đứng ra làm các thủ tục để Hà phá thai. Ngoài ký giấy bảo lãnh, Hưng phải có mặt trong phòng thủ thuật, chờ bác sỹ lấy thai nhi ra để đem đi chôn cất. Trả thù người yêu xong, Hà kiệt sức. Cô tự giam mình trong phòng để trừng phạt. Nhưng, khi đối diện với người khác, Hà vẫn cho rằng, việc làm của mình là đúng. Hà giải thích: Người ta đã chối bỏ tình yêu, chối bỏ trách nhiệm và cả máu mủ của mình thì sinh con ra cũng chỉ khổ cho con mà thôi. Cách tốt nhất là để chính người cha phải tự tay “chối bỏ” con để cảm nhận được sự đau đớn, Nguyễn Hoàng Hương (ở Bắc Ninh) yêu Trần Văn Thái (cùng quê) nhưng bị hai bên gia đình phản đối vì không “môn đăng hộ đối”. Thái và Hương bàn với nhau “làm chuyện đã rồi” để các cụ hai bên phải đồng ý. Khi Hương mang thai, Thái về xin phép gia đình làm đám cưới. Mẹ Thái tuyên bố câu xanh rờn: “Chắc gì nó đã là con của mày. Mày bảo không cưới, nó đi phá thai ngay ấy mà”. Biết chuyện, Hương cảm thấy vô cùng uất hận. Cô cắn răng, tự mình vượt qua thời kỳ bụng mang dạ chửa, sinh con rồi đem trả nhà người yêu. Thấy thế, mẹ Thái lại tiếp tục sử dụng chiêu bài “không nhận vì chắc gì đã phải cháu tôi”. Cứ thế, đứa trẻ bỗng dưng trở thành vật phẩm để hai bên trao đi đổi lại cho thỏa lòng ích kỷ. Các vụ việc sinh con rồi đem trả lại nhà người yêu giống như trường hợp của Hương xưa nay không phải là hiếm, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Nhiều ngươi không khỏi đau lòng, bức xúc, lên án trước cách hành xử này.
Thiếu tình người và vi phạm đạo đức
Tiến sỹ tâm lý học Lê Thu Giang (trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội) phân tích: Những đôi bạn trẻ vừa mới trưởng thành, chưa tự lập được kinh tế, quá đà trong tình yêu, dẫn đến có thai là điều đáng trách. Về tâm lý, khi chưa chủ động được về kinh tế thì phụ thuộc vào những quyết định của cha mẹ, người thân. Nếu họ thông cảm cho sự quá đà đó, tác thành cho đôi trẻ thì quá tốt nhưng cha mẹ, người thân có toan tính thì chắc chắn sẽ đưa đôi trẻ vào thế khó xử. Dỗ dành bạn gái phá thai không được thì đe dọa, ép phá thai bằng được là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Ép phá thai và đưa ra khoản tiền bồi dưỡng là cách mà nhiều bà mẹ thường thay con thực hiện. Thế nhưng, ép phá thai theo kiểu xúc phạm danh dự thì sẽ xảy ra hai tình huống xảy ra. Hoặc là người mẹ cậu thanh niên “thành công”, hai là hậu quả còn ê chề hơn gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Trọng An, phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Những trường hợp sinh con ra và bỏ con là vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị cơ quan thực thi pháp luật làm rõ hành vi có dấu hiệu hình sự để xử lý nhằm răn đe những người chối bỏ trách nhiệm với trẻ em, với con đẻ của mình. “Thực chất, hành vi này còn được quy định ở Điều 13, Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như ngay sau khi sinh con, cha hoặc mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng; cha, mẹ để con cho người khác nuôi, cắt đứt quan hệ, không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng; bỏ mặc trẻ em, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt...”, ông An cho biết thêm
Ép phá thai có dấu hiệu của tội giết người
Luật sư Trần Mỹ Long, Đoàn Luật sư Hải Phòng phân tích: Việc để sinh con hay nạo phá thai thuộc quyền nhân thân của người phụ nữ. Đó là quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể theo quy định ở Điều 32 - Bộ luật Dân sự. Người mẹ của Tr (ở Mỹ Đức, Hà Nội) ép con phá thai là vi phạm quyền nhân thân và có dấu hiệu của hành vi giết người, cần bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Theo Điều 93 của Bộ luật Hình sự thì mẹ của Tr phạm vào điểm c, khoản 1 là giết trẻ em. Với người mẹ, sinh ra con mà bỏ con, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đứa trẻ bị chết... thì hành vi đó bị xử lý theo quy ở Điều 94 Bộ luật Hình sự. Cụ thể: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Cũng theo luật sư Long thì việc truy tìm cha, mẹ của những trẻ em, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đồng nghĩa với việc xử lý hình sự đối với họ cũng rõ ràng hơn. Ở các trường hợp người mẹ đẻ con ra, bỏ ở nhà bạn trai, cả 2 bên không lên tiếng thì chuyện xử lý hình sự rất khó. Trường hợp này, dư luận chỉ lên án về mặt đạo đức là chính. Hơn nữa, thực tế, cơ quan thực thi pháp luật cũng không mặn mà với “án mờ” như vậy.
Ông Nguyễn Quang Huy, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Về mặt đạo lý, không thể ép người mẹ trẻ phá thai. Còn về lĩnh vực hành nghề Y thì thai dưới 6 tuần tuổi thì được nạo, hút, còn trên 6 tuần tuổi thì phải có những chỉ định cụ thể của bác sỹ tại các bệnh viện mới được thực hiện. Theo Điều 35 Thông tư 07/2004/TT-BYT hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Hành nghề y tư nhân, thì trong phạm vi hành nghề ở phòng khám sản khoa tư nhân chỉ được hút điều hòa kinh nguyệt, dưới 42 ngày tuổi, nghĩa là dưới 6 tuần tuổi. Thông tư 07 không có cụm từ nạo phá thai, chỉ ghi là cho phép hút điều hòa cho trường hợp mang thai ngoài ý muốn dưới 42 ngày, còn trên 42 ngày thì phải tới bệnh viện để có chỉ định phù hợp. Nếu phát hiện nạo phá thai bất hợp pháp thì các cơ sở này sẽ bị xử lý như phạt tiền.
Nhóm phóng viên