Sau khoảng thời gian dài "mờ nhạt" trên các phương tiện thông tin đại chúng, Ngọc Sơn bất ngờ trở thành tâm điểm của sự chú ý khi công khai tấm bằng khen gọi anh là "giáo sư âm nhạc".
Bằng khen được nam ca sĩ quỳ gối gửi đến mẹ ngay trên sân khấu của một đêm nhạc. Đáng tiếc, thông điệp đầy ý nghĩa về tình mẫu tử - cũng là tên nhạc phẩm mà Ngọc Sơn chọn để tự đệm đàn, hát tặng mẹ trong buổi biểu diễn lại không lan toả mạnh mẽ như tư liệu ảnh về tấm bằng khen đặc biệt.
Không khó để nhận thấy hai luồng ý kiến trái ngược nhau trong cộng đồng mạng. Một bên bênh vực Ngọc Sơn chỉ trích cả đơn vị trao tặng lẫn cá nhân ký tặng bằng khen đã bộc lộ sự thiếu nghiêm túc trong việc khen thưởng, làm ảnh hưởng đến hình tượng điềm đạm, nho nhã mà nam ca sĩ đã cố gắng duy trì kể từ liveshow "Dấu ấn".
Bên còn lại cho rằng sự nhầm lẫn của nam ca sĩ về sự ghi nhận của Nhà nước đối với sự nghiệp ca hát của mình là khó chấp nhận, bởi chức danh "Giáo sư âm nhạc" không tồn tại trong thực tế và bản thân ca sĩ hẳn biết rõ mình đã được hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư hay chưa.
Hẳn bạn đọc cũng biết rằng, chẳng có một tấm bằng khen đúng nghĩa, đầy đủ giá trị và tính pháp lý nào lại không tuân theo quy định của luật Thi đua khen thưởng, chưa được đối chiếu với các quy định của các đơn vị, bộ, ngành để xét tặng đúng theo quy định của pháp luật. Vừa qua, sự xuất hiện của chức danh "Giáo sư âm nhạc" trong bằng khen đã khiến nhiều người nhầm tưởng đó là giấy chứng nhận, phong tặng giáo sư cho Ngọc Sơn, và chuyện người ký tặng bằng khen là Tiến sĩ đã kéo nó vào danh sách những hình thức tuyên dương "độc đáo" nhất Việt Nam, là "đối thủ đáng gờm" của tờ giấy khen từng mặt một thời gây xôn xao dư luận.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc nhìn của một khán giả bình thường, không phải chuyên gia âm nhạc hay fan hâm mộ cuồng nhiệt, tôi nghĩ rằng đây chỉ là một sự cố ngoài ý muốn chứ không phải một chiêu PR của Ngọc Sơn, dù đúng là anh đã tạo ra nhiều trò lố trong quá khứ.
Từ lúc còn cắp sách đến trường tới khi đi làm, va chạm ngoài xã hội, ai chẳng được những người xung quanh đặt cho một cái tên khác, thay cho tên chính thức thường gọi. Những "Mít Đặc", "Biết Tuốt", "Công chúa", "Phù Thủy"... mô tả một phần đặc điểm, tính cách của "khổ chủ" đồng thời biểu thị đánh giá, tình cảm của người đặt tên. Tương tự, "Giáo sư âm nhạc" ở đây không phải là chức danh, học hàm, học vị mà chỉ là cách gọi của một bộ phận công chúng. Xét ra, thì vị Chủ tịch hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền khen tặng các hội viên xứng đáng.
Nếu tôi là Ngọc Sơn, tôi chỉ cần lên tiếng xin lỗi vì không đọc kỹ bằng khen, hoặc cùng lắm trách anh đánh máy tiếc rẻ một cặp ngoặc kép, những khán giả thông minh chắc chắn sẽ hiểu và cảm thông cho anh. Nhưng trong phần trả lời phỏng vấn mới đây, anh nói: "Mọi người đặt cho tôi rất nhiều danh hiệu như "Ông hoàng nhạc sến", nhạc sĩ, giáo sư... nhưng đó chỉ là phù du, tôi lúc nào cũng chỉ là tấm thân nhỏ bé của đại gia đình chứ không sân si bất cứ điều gì. Bằng gì thì bằng nhưng tấm bằng quan trọng nhất là tình yêu của đại gia đình khán giả dành cho Ngọc Sơn, thành ra bằng khác nếu có thì vui thôi chứ không quan trọng".
Những lời này chẳng những "đập lại" chia sẻ ban đầu của nam ca sĩ về danh hiệu giáo sư ("không chỉ là nguồn động viên mà còn là động lực để anh tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho âm nhạc và tiếp tục chia sẻ, dìu dắt các thế hệ ca sĩ đàn em tiếp tục cố gắng theo đuổi hết mình với nghề nghiệp") mà còn khiến hành động quỳ trên khấu của anh đột nhiên trở nên vô nghĩa, vì tấm bằng mà anh sử dụng để tặng mẹ vốn "không quan trọng" với anh.
Và một khán giả như tôi, thực sự cảm thấy buồn vì điều đó…
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả