Trước vụ việc trên PV tạp chí Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Biên, nguyên điều tra viên Cao cấp cơ quan điều tra Hình sự, Tổng cục Hậu cần, bộ Quốc phòng để tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề...
Ông đánh giá như thế nào về tình trạng hoạt động tội phạm băng nhóm có quy mô lớn như vụ 200 người náo loạn ở Q.Bình Tân, TP.HCM vừa xảy ra?
Dưới góc độ quản lý xã hội liên quan đến trật tự xã hội, trước tiên phải xác định trách nhiệm thuộc cơ quan công an, cơ quan địa phương. Địa phương nào làm tốt được công tác rà soát, phân loại đối tượng, nắm bắt tình hình những biến động các đối tượng, đặc biệt các đối tượng đã từng có tiền án tiền sự... thì sẽ rất khó để xảy ra những hoạt động có tính chất lưu manh, côn đồ. Để nổi cộm lên như vậy có thể ở chừng mực nào đấy công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn làm chưa được tốt.
Có thể nhận thấy, số tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động băng nhóm với số lượng lớn như vậy không phải ngày một ngày hai mà nó phải âm ỉ, lôi kéo từ rất lâu. Thậm chí thực hiện được một số vụ việc mà không bị phát hiện xử lý như: Đi đâm thuê, chém mướn, rằn mặt, đánh hội đồng, trả thù, giải quyết mâu thuẫn cá nhân... Khi các sự việc được thực hiện trót lọt, các lần sau mới lôi kéo ồ ạt được theo kiểu số má. Để dễ phân biệt băng nhóm họ có ký hiệu riêng như kiểu dáng, ăn mặc, mũ mão, xăm trổ thì mới ra được số anh chị và không lẫn với các băng nhóm khác. Tội phạm có tổ chức bao giờ cũng có người chủ mưu, người cầm đầu và họ tự phân vai vế. Việc kéo đến 200 người có thể hoạt động trong thời gian dài nhưng chưa bị phát hiện rõ ràng là có vấn đề.
Từng là một điều tra viên, theo ông việc điều tra những vụ tội phạm băng nhóm tổ chức quy mô lớn gặp những khó khăn gì?
Thường quy mô lớn như vậy dễ phát hiện, dễ điều tra chứ không hề khó khăn. Vì loại tội phạm có tổ chức, nhất là có liên quan đến gây rối trật tự công cộng, đâm thuê, chém mướn tổ chức lỏng lẻo chỉ thích thể hiện đàn anh, đàn chị, hùng hổ, quát tháo, đập phá, rằn mặt. Khi bị phát hiện một trong số đối tượng đó, cơ quan chức năng có thể phát triển, mở rộng ra được các hoạt động điều tra theo từng lớp. Nếu như cơ quan chức năng xử lý được một vài số đối tượng là tay chân, sẽ tìm ra được người “chỉ huy” của nhóm đó, sau đó lên đến người cầm đầu. Phá loại tội phạm này không khó, nếu như không có dấu hiệu “bảo kê” như vụ án “Đường Nhuệ” tại Thái Bình.
Thời gian gần đây, không ít vụ việc về tội phạm băng nhóm, hoạt động có tổ chức, quy mô gây nhiều hệ lụy cho xã hội đã được xem xét, xử lý nhưng nó vẫn tiếp tục tái diễn, ông có thể lý giải về vấn nạn này?
Sự tái diễn các băng ổ nhóm hoạt động trên một địa bàn nhất định và có thể rất nhiều tầng lớp là do cơ quan chức năng triệt phá chưa hết. Khi các ổ chính chưa diệt tận gốc hoặc đánh được vào trung tâm của tổ chức đó nhưng còn tay chân chúng vẫn nhởn nhơ bên ngoài, các đối tượng này sẽ cấu kết với nhau thành một tổ chức mới hoặc hoạt động với hình thức vỏ bọc khác. Do vậy, quá trình điều tra, xử lý, xem xét tận gốc toàn bộ băng ổ nhóm chưa triệt để, vẫn có thể còn những người bị lọt lưới.
Vậy giải pháp phòng ngừa tội phạm băng nhóm tổ chức quy mô lớn là gì thưa ông?
Theo tôi, trước tiên, về công tác xây dựng địa bàn, đặc biệt các cơ sở nên có biện pháp nghiệp vụ để nắm được hoạt động của các băng ổ nhóm. Nắm bắt tình hình xem chúng hoạt động ra sao, sau đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Lực lượng chức năng phải phát huy công tác xây dựng địa bàn bằng biện pháp nghiệp vụ.
Sau đó cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phân loại đối tượng trên địa bàn như: Đối tượng mới đi tù về, đã bị xử lý. Đối tượng nào hay liên quan đến trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng. Từ phân loại đó giao cho cán bộ địa bàn quản lý, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục họ để không tái phạm và hòa nhập với cộng đồng.
Cuối cùng cần tạo việc làm để đưa họ vào các tổ chức lao động, hoạt động của cơ sở. Khi có công ăn việc làm họ sẽ bớt “nhàn cư vi bất thiện”, không dễ bị lôi kéo làm việc xấu.
Vậy theo ông, có nên tăng nặng hình phạt, có chế tài mạnh hơn để răn đe, phòng ngừa với loại tội phạm này?
Chế tài hiện nay đối với các tội phạm có tổ chức trong quy định của BLHS đã quy định rất rõ, người chủ mưu sẽ bị xử lý như thế nào, người thực hiện ra làm sao... Tất cả cái đó đã xác định chế tài đối với từng hành vi cụ thể của tội phạm có tổ chức. Chỉ cần cơ quan chức năng phân vai cho đúng và xử lý cho đúng thì đã có tác dụng giáo dục. Chỉ ngại nhất, hành vi đáng bị xử lý nhưng không xử lý.
Xin trân trọng cảm ơn ông!